Theo Daily Mail và Miami Herald, ông Dituri, 55 tuổi, cựu sĩ quan hải quân - Phó giáo sư Đại học Nam Florida, đã sống hơn 3 tháng trong một khoang rộng 100m vuông dưới đáy Đại Tây Dương để nghiên cứu tác động của môi trường áp suất lên cơ thể con người.
Việc này cũng giúp ông Dituri có cơ hội đánh bại kỷ lục thế giới trước đó về sống dưới nước.
Sau khi trở lại mặt đất, ông Dituri đã được các bác sĩ kiểm tra, đánh giá cơ thể ông để xem nó thay đổi như thế nào từ tháng 3 tới tháng 6, gồm cả các xét nghiệm về telomeres, hợp chất ở cuối nhiễm sắc thể ngắn dần theo tuổi tác.
Nhà nghiên cứu này cho biết, các telomeres hiện dài thêm 20% và ông có nhiều tế bào gốc gấp 10 lần so với lần đầu tiên chui vào khoang dưới nước hồi tháng 3.
Một tác dụng có lợi khác của chế độ ngủ đông dưới biển sâu đó là hiện giờ ông Dituri có giai đoạn ngủ REM (giấc ngủ chuyển động nhanh của mắt) từ 60-66% vào ban đêm, giảm 72 điểm cholesterol và các dấu hiệu viêm nhiễm giảm một nửa.
Những thay đổi lớn về sức khỏe thể chất của nhà khoa học này được cho là do áp suất. Hiện có một hình thức điều trị tương tự là buồng cao áp, giúp cải thiện sức khỏe não bộ khiến nhận thức tốt hơn.
Nghiên cứu của ông Dituri cho phép ông quan sát cách cơ thể con người phản ứng với môi trường áp suất trong thời gian dài hơn. Khoang mà ông sử dụng tương tự những gì phi hành gia sẽ trải qua khi bay tới sao Hỏa.