Địa vị cao, cái tôi lớn
Khi thăng chức, nhà quản lý có thêm quyền lực. Cùng với đó, đồng nghiệp, cấp dưới muốn làm hài lòng bằng cách lắng nghe chăm chú hơn, đồng ý nhiều hơn, hưởng ứng những câu chuyện cười của người đó... Tất cả những điều này có thể khiến cái tôi của nhà quản lý từng bước được “thổi phồng”.
Mặt khác, sự tách biệt là một rủi ro đối với các nhà lãnh đạo cấp cao. Các nhà lãnh đạo càng thăng tiến, được đưa vào văn phòng riêng và được thụ hưởng những không gian đặc quyền, họ càng có nguy cơ bị “xa rời quần chúng”, thiếu nắm bắt tình hình thực tế. Chính sự thiếu giao lưu, trao đổi, nghèo thông tin, sự o bế của những người xung quanh khiến người sếp nhầm lẫn giữa địa vị với quyền lực, sức mạnh thực tế. Nếu có cái tôi lớn, không biết lắng nghe… họ dễ dàng mất kết nối với chính công ty và có thể “ngã ngựa”.
Hậu quả khi đặt cái tôi quá cao trong công việc
Việc đặt cái tôi quá cao trong quản lý có thể làm sai lệch quan điểm, bóp méo giá trị, mục tiêu công việc. Điều đáng nói, càng có vai trò lớn, người lãnh đạo càng khó chấp nhận việc bị thách thức quyền lực. Ai cũng muốn được trở nên vĩ đại; nhưng khi nhu cầu “được công nhận” trở nên quan trọng hơn cả thành tích thực tế, hõ dễ đưa ra những quyết định có thể gây bất lợi cho bản thân, nhân viên và tổ chức. Bản ngã khiến họ bị thu hẹp tầm nhìn, dễ đánh giá cảm tính và hành động trái với giá trị quan ban đầu.
Cái tôi bị “thổi phồng” cũng khiến nhà lãnh đạo dễ đưa ra quyết định sai. Ví dụ, khi nghĩ rằng bản thân là kiến trúc sư duy nhất làm nên thành công của công ty, tổ chức, họ sẽ có xu hướng trở nên ích kỷ, chuyên quyền và ưa đặc quyền hơn. Cùng với đó, việc đối mặt với những thất bại và chỉ trích từ người khác càng trở nên khó khăn hơn. Sự tự ái cao khiến nhà quản lý tự “xây một bức tường phòng thủ”, ngăn cản việc học hỏi từ những sai lầm, hay những bài học kinh nghiệm từ cấp dưới hoặc đối thủ…
Mặt khác, cái tôi lớn khiến nhà quản lý dễ bị lợi dụng. Đối thủ hoặc những người có ý định xấu hiểu rõ người sếp này luôn mong đợi sự chú ý, nghênh đón của mọi người. Từ đó họ dễ dàng tìm cách thao túng để đoán được: Điều gì làm người này hài lòng? Người này mong đợi được đối đãi như thế nào? Người này có thể thiên vị ai đó chỉ vì họ khéo lấy lòng hơn không?...
Cuối cùng, vì tin tưởng và đánh giá quá cao bản thân, tầm nhìn của nhà lãnh đạo bị hạn hẹp đi. Bản ngã chính là “bộ lọc”, khiến bạn chỉ tìm kiếm thông tin xác nhận cho những gì mà bạn muốn tin, cũng như chỉ thấy và nghe những gì bạn muốn. Kết quả là người quản lý dễ mất kết nối với những nguồn tin khách quan, những nhân sự thực sự có trải nghiệm với khách hàng cũng như dư luận xã hội.
“Dung hòa” với cái tôi cao
Sự tự tin trước đây có thể là một trong những yếu tố tạo nên thành công của nhà quản lý. Nhưng khi sự tự tin phát triển thành tự mãn, họ cần điều chỉnh lại để có lợi hơn trong công việc.
Xem xét các đặc quyền, đặc lợi có được nhờ chức vị: Sẽ là điều tuyệt vời nếu các đặc quyền, đặc lợi hỗ trợ nhà quản lý thực hiện công việc một cách hiệu quả. Nhưng nếu những điều này chỉ để thể hiện địa vị, quyền lực, cái tôi cao… nhà quản lý hãy cân nhắc từ bỏ; nhất là nếu nó là tác nhân khiến họ “xa rời quần chúng”.
Chủ động kết nối, tương tác và làm việc với những người không “chiều chuộng” cái tôi: Có thể sẽ rất khó chịu ban đầu khi phải tiếp xúc với những nhân viên thẳng thắn, khách quan và không cố gắng làm vừa lòng người sếp. Điều đó đòi hỏi nhà quản lý rèn luyện sự vị tha và khách quan.
Nghĩ về sự đóng góp của những người khác trong thành công chung của công ty: Có thể đơn giản dành vài phút cuối ngày để nghĩ những người đã giúp đỡ bạn. Đừng quên cảm ơn họ ngay khi được giúp đỡ. Đây là thói quen giúp nhà quản lý có sự khiêm tốn và có cái nhìn toàn diện về nguồn gốc thành công, giảm bớt nguy cơ trở nên trịch thượng.
Vĩnh Phú