Phần lớn việc tắt sóng 2G, 3G đang diễn ra tại châu Âu và Bắc Mỹ, song các nước đang phát triển cũng nhanh chóng bắt kịp khi thói quen người dùng thay đổi, dẫn đến nhu cầu kết nối nhanh hơn như 4G, 5G.
Tại châu Á – Thái Bình Dương, làn sóng 5G đầu tiên đã có mặt tại Philippines, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia và New Zealand, tiếp đến là Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan và Malaysia.
Theo hãng nghiên cứu ABI Research, nhà mạng châu Á – Thái Bình Dương và châu Đại Dương sẽ dẫn đầu về tắt mạng 2G, 3G. Trong giai đoạn năm 2019 đến 2030, các nhà phân tích ước tính 13 hãng viễn thông trong khu vực tắt mạng 3G. Đứng sau châu Á là châu Âu với 4 nhà mạng, châu Phi và Nam Mỹ (2) và Bắc Mỹ (1).
Với mạng 2G, châu Á – Thái Bình Dương và châu Đại Dương sẽ ghi nhận 9 nhà mạng tắt sóng trước năm 2030. Trong khi đó, 3 nhà mạng tại châu Phi, Bắc Mỹ và châu Âu và một tại Nam Mỹ làm điều tương tự.
Trả lời cho câu hỏi vì sao các hãng viễn thông châu Á – Thái Bình Dương lại tăng tốc tắt sóng 2G, 3G, Phó Chủ tịch ABI Research Jake Saunders cho biết các công nghệ nền tảng tại những thị trường đang phát triển “phát triển nhanh chóng” do nhu cầu từ các thuê bao. Điều này có thể nhìn thấy rõ từ số lượng mạng 5G đã được triển khai.
Các thiết bị 2G/3G ngày càng có lợi nhuận mỏng hơn trong khi thiết bị 5G cũng giảm giá nhanh hơn. Theo ông Saunders, nhà mạng muốn củng cố tài sản cơ sở hạ tầng, còn nhà quản lý muốn tái sử dụng phổ tần để cải thiện dịch vụ. Các tần số 2G (nằm trong khoảng 900MHz và 1800MHz) và 3G (2100MHz) rất hữu ích để phủ sóng trong nhà và rộng hơn.
Nhà phân tích Le Xuan Chiew của hãng nghiên cứu Canalys đồng tình rằng nhà mạng muốn “hợp lý hóa các nguồn lực” và hỗ trợ “thúc đẩy số hóa” bằng cách kết nối nhiều thuê bao hơn với mạng tốc độ cao. Dù vậy, một thách thức lớn vẫn còn tồn tại là khả năng chi trả.
Việc chuyển người dùng sang các gói cước và thiết bị đắt tiền hơn là điều khó khăn. Ngay cả khi thiết bị giá dưới 100 USD, nó cũng có thể tương đương với ngân sách dành cho thực phẩm của ai đó, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát cao hiện nay.
Ông Le dẫn ví dụ, năm 2022, Indonesia quyết định tắt mạng 2G và 3G, dự đoán tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh tăng trưởng từ 10% đến 15% song cuối cùng chỉ đạt 5% do dịch bệnh và lạm phát tăng.
Mọi người lưỡng lự khi mua sắm, không chỉ smartphone mà tất cả mọi thứ. Nó trở thành bài toán mà các nhà sản xuất và nhà mạng phải giải quyết nếu muốn theo đuổi tăng trưởng.
Tại Anh và Singapore, mọi người thường mua gói cước kèm điện thoại để được sử dụng các thiết bị giá cao. Chi phí đó sẽ được trải đều trong 2 năm. Tuy nhiên, tại những thị trường đang phát triển, hầu hết khách hàng mua thiết bị trước (mới hoặc đã qua sử dụng).
Hợp lý hóa nguồn lực
Về vấn đề hợp lý hóa nguồn lực, ông Le chỉ ra thâu tóm và sáp nhập trở thành một cách để nhà mạng chống lại giá tăng và triển khai hạ tầng đắt đỏ. Chẳng hạn, tại Thái Lan, True và Dtac đã khép lại thương vụ sáp nhập gây tranh cãi. Về chung nhà, hai hãng viễn thông vượt qua được thách thức của nguồn lực hạn chế thông qua dùng chung hạ tầng. Điều đó cho phép họ tắt mạng 3G để mở ra cơ hội mới với mạng 5G tiên tiến hơn.
Ông Le cho rằng đây là nước đi đúng hướng đối với các nhà mạng muốn thúc đẩy số hóa tại các nền kinh tế đang phát triển.
Ông Saunders bổ sung, có khoảng 800 triệu người đang sống tại những khu vực chưa được phủ sóng tốt. Vì vậy, nhà mạng và nhà quản lý có trách nhiệm bảo đảm khi tắt sóng 2G, 3G, mọi người vẫn được tiếp cận làn sóng kết nối tiếp theo. Ông dự đoán 4G tiếp tục đóng vai trò quan trọng ở châu Á – Thái Bình Dương trong 7 năm tới.
Theo Phó Chủ tịch ABI Research, khu vực này sẽ rất khác biệt trong năm 2030 và chắc chắn được thúc đẩy bởi làn sóng 4G, 5G nhưng chỉ với chi phí của 2G, 3G.
iPhone đầu tiên ra đời năm 2007 với mạng 3G đã mở ra kỷ nguyên vàng cho lĩnh vực viễn thông vì nó cho mọi người thấy khả năng kết nối tốt hơn và năng suất lao động cao hơn chỉ nhờ một chiếc điện thoại và sóng di động. Một thế giới kết nối tốt hơn là một thế giới phát triển hơn. Điều này sẽ tiếp tục xảy ra khi mạng 2G, 3G dần tắt.
(Theo Developingtelecoms)