Ứng dụng i-Speed được 2 đơn vị thuộc Bộ TT&TT là Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) và Cục Viễn thông phát triển và chính thức ra mắt từ tháng 4, chạy trên 2 hệ điều hành phổ biến là iOS và Android. Được cung cấp miễn phí cho cộng đồng người dùng Internet Việt Nam, ứng dụng này giúp mọi người có thể tự đo, tự đánh giá tốc độ truy cập Internet của mình và có thể chủ động lựa chọn gói cước, nhà cung cấp dịch vụ phù hợp.
Tính đến nay, ứng dụng i-Speed đã có hơn 30.000 lượt cài đặt với hơn 1 triệu mẫu đo. |
Đặc biệt là, hiện nay do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, người dân nhiều địa phương trong cả nước được khuyến nghị ở nhà, chỉ ra đường khi thực sự cần thiết. Nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã tổ chức cho cán bộ, nhân viên làm việc từ xa. Hoạt động mua sắm, giải trí online cũng tăng mạnh. Do đó, nhu cầu sử dụng Internet của nhiều người dân, hộ gia đình tăng cao.
Trong bối cảnh, ứng dụng i-Speed sẽ là công cụ hữu ích với nhiều người, bởi lẽ đây là ứng dụng hỗ trợ đo tốc độ truy cập Internet trung lập, phản ánh kết quả chính xác và khách quan. Người dùng có thể đối chiếu kết quả đo qua ứng dụng i-Speed với hợp đồng, cam kết của nhà cung cấp dịch vụ để đảm bảo quyền lợi của mình; hoặc đánh giá tốc độ truy cập Internet của gói cước mình đang dùng liệu có đảm bảo sử dụng tốt các dịch vụ Internet chất lượng cao.
Với việc đồng loạt triển khai áp dụng chính sách miễn cước với data sử dụng ứng dụng i-Speed để đo tốc độ truy cập Internet kể từ tháng 7, VinaPhone, Viettel, MobiFone và Vietnamobile khuyến khích người dùng cài đặt và sử dụng i-Speed.
Không chỉ là hoạt động nhằm hỗ trợ người dùng được trải nghiệm việc đo tốc độ truy cập Internet thường xuyên qua ứng dụng i-Speed mà không mất cước data, động thái này cũng cho thấy quyết tâm của các nhà mạng trong việc chung tay cùng cơ quan quản lý để nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ khách hàng. Đồng thời, tạo ra sự thúc đẩy cạnh tranh, công bằng giữa các nhà cung cấp dịch vụ Internet.
Ngoài việc miễn cước đối với data người dùng sử dụng i-Speed, các doanh nghiệp viễn thông, Internet, tiêu biểu như Viettel, VNPT đã tích hợp i-Speed vào ứng dụng chăm sóc khách hàng của đơn vị mình, tạo điều kiện cho người dùng có thể dễ dàng đo tốc độ truy cập Internet.
Kể từ thời điểm được cho ra mắt đến nay, ứng dụng “Make in Vietnam” i-Speed đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều người dùng, với hơn 30.000 lượt cài đặt, hơn 1 triệu mẫu đo. VNNIC đã phối hợp với các ISP, IDC, Cloud lớn ở Việt Nam triển khai 50 điểm đo trên toàn quốc, nhiều hơn số điểm đo của hệ thống nước ngoài.
Ngoài các tính năng cơ bản của một hệ thống đo tốc độ truy cập Internet, với các thông số phản ánh tốc độ truy cập Internet (download, upload, ping, jitter), thông tin về loại kết nối (Wi-Fi/3G/4G/5G), vị trí thực hiện đo, nhà cung cấp dịch vụ…, ứng dụng i-Speed còn đo được khả năng truy cập Internet thế hệ mới IPv6. Đây là thông số mà hệ thống nước ngoài hiện chưa hỗ trợ.
Đại diện VNNIC cho biết, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng, doanh nghiệp viễn thông, Internet để hoàn thiện hơn nữa ứng dụng i-Speed, đem tới trải nghiệm tốt hơn cho người sử dụng. VNNIC cũng sẽ phân tích, chia sẻ dữ liệu để hướng tới mục tiêu chung là thúc đẩy phát triển bền vững, xây dựng hạ tầng mạng Internet Việt Nam an toàn, hiện đại.
Bên cạnh việc có thể chủ động đo và đánh giá về tốc độ Internet, khi cài đặt và sử dụng i-Speed là người dùng đang góp phần xây dựng Internet Việt Nam. "Mỗi mẫu đo từ người sử dụng đã và sẽ đóng góp để làm giàu thêm cơ sở dữ liệu về tốc độ, chất lượng truy cập Internet, trải nghiệm người dùng. Từ đó, hỗ trợ tốt công tác quản lý nhà nước, phát triển mạng Internet Việt Nam cũng như thúc đẩy cạnh tranh, nâng cao chất lượng của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet”, đại diện VNNIC nhấn mạnh.
Vân Anh
VNNIC lần đầu công bố kết quả đo tốc độ truy cập Internet Việt Nam
VNNIC vừa công bố kết quả đo tốc độ truy cập Internet Việt Nam trong quý I/2020. Theo đó, tốc độ download trung bình của mạng băng rộng cố định đạt 61,69 Mbps, mạng di động đạt 39,44 Mbps, cao hơn số liệu công bố bởi các hệ thống quốc tế.