Quá trình kiểm tra, nghiệm thu Nhà máy điện gió Tân Tấn Nhật (huyện Đắk Glei, Kon Tum), Cục điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) phát hiện hàng loạt vi phạm nên chuyển Sở Xây dựng Kon Tum xem xét, xử lý theo thẩm quyền.
Trên cơ sở Biên bản vi phạm hành chính do Phó Cục trưởng Cục điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) lập đối với Công ty Cổ phần Tân Tấn Nhật, Thanh tra Sở Xây dựng Kon Tum đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty CP Tân Tấn Nhật, do bà Nguyễn Thị Nhung (SN 1989) làm giám đốc, với số tiền hơn 170 triệu đồng.
Theo Thanh tra Sở Xây dựng Kon Tum, Công ty CP Tân Tấn Nhật không gửi báo cáo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc gửi báo cáo không đầy đủ tên, địa chỉ liên lạc, tên công trình, địa điểm xây dựng, quy mô xây dựng, tiến độ thi công dự kiến sau khi khởi công xây dựng theo quy định.
Đặc biệt, khởi công xây dựng công trình điện gió khi chưa có thiết kế bản vẽ thi công của hạng mục công trình, công trình đã được phê duyệt; lựa chọn tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện năng lực khi tham gia hoạt động thi công xây dựng công trình; lưu trữ không đầy đủ danh mục tài liệu theo quy định.
Theo đó, Thanh tra Sở Xây dựng Kon Tum phạt tiền 750.000 đồng đối với hành vi “Không gửi báo cáo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc gửi báo cáo không đầy đủ tên, địa chỉ liên lạc, tên công trình, địa điểm xây dựng, quy mô xây dựng, tiến độ thi công dự kiến sau khi khởi công xây dựng theo quy định”.
Phạt tiền 70 triệu đồng đối với hành vi “Khởi công xây dựng công trình mà chưa có thiết kế bản vẽ thi công của hạng mục công trình, công trình đã được phê duyệt"; phạt tiền 70 triệu đồng đối với hành vi "Lựa chọn tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện năng lực khi tham gia hoạt động thi công xây dựng công trình"; phạt tiền 30 triệu đồng đối với hành vi "Lưu trữ không đầy đủ danh mục tài liệu theo quy định".
Nhà máy điện gió Tân Tân Nhất - Đăk Glei có công suất 50MW, gồm 18 trụ Turbine gió. Diện tích mặt đất sử dụng là 24,55ha, trong đó diện tích sử dụng đất có thời hạn là 14,55ha, tại 2 xã Đăk Môn và Đăk Kroong. Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 1.890 tỷ đồng, thời gian hoạt động 50 năm kể từ ngày phê duyệt chủ trương đầu tư.