Energoatom, cơ quan quản lý hạt nhân quốc gia Ukraine ngày 26/8 ra tuyên bố cho biết: "Hôm nay, lúc 14h04, một trong những tổ máy phát điện của Zaporizhzhia từng bị ngưng hoạt động ngày hôm qua, đã được kết nối lại với lưới điện quốc gia và công suất đang được bổ sung. Các công nhân tại Zaporizhzhia là những anh hùng thực sự! Họ đã nỗ lực không mệt mỏi để giữ vững trọng trách đảm bảo an toàn bức xạ và hạt nhân của Ukraine cũng như toàn châu Âu. Họ đã làm việc quên mình để đất nước có nguồn điện cần thiết cho sự sống".
Quân Nga đã giành được quyền kiểm soát Zaporizhzhia từ đầu tháng 3, nhưng nhà máy vẫn do các kỹ thuật viên Ukraine vận hành. Hai bên không ngừng đổ lỗi cho nhau vì các cuộc pháo kích liên tục gần đây nhằm vào cơ sở này.
Theo Reuters, nhà máy Zaporizhzhia hôm 25/8 đã ngắt kết nối với mạng lưới điện quốc gia Ukraine lần đầu tiên trong 40 năm tồn tại. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cáo buộc các lực lượng Moscow đã pháo kích, gây hỏa hoạn ở các hố tro của một nhà máy điện than gần đó, dẫn đến sự cố này.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga tố ngược Ukraine có "hành động khiêu khích", đồng thời cho hay các lực lượng Moscow đã nhắm phá hủy hệ thống pháo Ukraine gây họa.
Thống đốc Zaporizhzhia nói, đến ngày 26/8, hơn 18.000 người ở 72 khu dân cư trong vùng vẫn không có điện do các đường dây dẫn ở nhà máy Zaporizhzhia bị hư hại.
Các nghị sĩ Đức kêu gọi hòa đàm với Nga
Một nhóm nhà lập pháp thuộc đảng Dân chủ xã hội Đức (SPD) của Thủ tướng Olaf Scholz đang kêu gọi các cuộc đàm phán hòa bình với Nga và một thỏa thuận ngưng bắn ở Ukraine càng sớm càng tốt.
Báo Der Spiegel đưa tin, trong một lá thư nhan đề "Tiếng súng cần phải chấm dứt", nhóm nghị sĩ đại diện cho phe cánh tả theo chủ nghĩa hòa bình của SPD đã hối thúc một chiến dịch ngoại giao tích cực nhằm nhanh chóng kết thúc chiến sự Nga - Ukraine. Họ kêu gọi một nỗ lực mới, trong đó các bên xung đột nhất trí cùng sống chung trong hòa bình.
Nhóm nghị sĩ Đức này đề xuất Trung Quốc đóng vai trò trung gian hòa giải giữa hai nước láng giềng. Họ cũng phản đối các kế hoạch tái vũ trang và việc phương Tây chuyển giao khí tài hạng nặng cho Kiev, viện dẫn lí do điều đó có nguy cơ khiến chiến tranh hạt nhân xảy ra.
"Với mỗi lần chuyển giao vũ khí, điều quan trọng là phải cân nhắc kỹ lưỡng và xem đâu là 'các lằn ranh đỏ', vì động thái có thể bị coi là tham gia vào cuộc xung đột và dẫn đến các phản ứng tương ứng", trích lá thư cảnh báo.
Moscow và Kiev chưa lên tiếng bình luận về các thông tin trên.
Tuấn Anh