- Loa phường ngày xưa là một phần không thể thiếu trong đời sống người Hà Nội. Có người bảo, nhờ tiếng loa của ông họ không cần đồng hồ báo thức, không bao giờ dậy muộn giờ.
Trước đề nghị bỏ loa phường của Chủ tịch UBND TP Hà Nội, hơn một ngày nay, người dân Thủ đô không khỏi xôn xao. Người bày tỏ vui mừng vì được "tạm biệt" loa phường. Người lại chia sẻ đầy hoài niệm. |
Ông Lưu Đức Hậu (SN 1941), tổ 59, phường Thổ Quan, Đống Đa, Hà Nội, chia sẻ với VietNamNet câu chuyện 20 năm (1972 -1992) ông phụ trách công tác phát thanh phường.
Gắn bó nhiều năm với công việc này, ông Hậu cho biết, chiếc loa phường là một phần không thể thiếu trong ký ức của người Hà Nội. Làm nghề thông tin, ông cũng cảm thấy rất tự hào.
Ông Hậu nói thêm, loa phường chỉ dùng vào các việc chung, phát thông tin của quan trọng của phường và thành phố tuy nhiên đây cũng là nơi phát tin cấp yếu do người dân nhờ.
Ông Lưu Đức Hậu chia sẻ: "Loa phường là một phần không thể thiếu trong ký ức của người Hà Nội" |
Ông nhớ nhất câu chuyện vào một mùa đông nhiều năm về trước. Lúc đó đã vào khoảng 9 giờ đêm, trời rét cắt da cắt thịt, các gia đình đều đóng cửa đi ngủ thì ông nghe tiếng gõ cửa. Họ là một đôi vợ chồng trẻ, mếu máo đến nhờ ông đọc giúp tìm trẻ lạc.
Con họ là một cháu bé đi từ 4 giờ chiều chưa về nhà. Bởi vậy, đang ngủ nhưng ông lại dậy, khoác thêm áo lọ mọ ra phường đọc bản tin. Nhờ bản tin đó, có một người dân đã nghe được và dẫn cháu bé về cho gia đình của đôi vợ chồng kia.
Tìm được con, họ mừng rỡ chạy đi mua biếu ông cây thuốc lá 3 số. Tuy nhiên ông từ chối. Khi họ sang hàng tạp hóa gần nhà ông để trả lại thì được bà chủ mách nước là: “Ông Hậu chỉ hút thuốc Tam Đảo”. Thế là họ đổi sang mua thuốc này biếu ông nhưng ông cũng chỉ nhận một gói.
“Thời đó, bao thuốc lá là quý lắm rồi. Tôi làm việc với niềm đam mê bởi phụ cập của nghề thấp. Tôi vẫn phải mở thêm quán sửa xe để nuôi vợ, nuôi con”, ông nói.
"Ngày xưa không có nhiều phương tiện truyền thông, sáng sớm người dân tụm năm, tụm 3 dưới cột loa chỉ để nghe 1 tin quan trọng và họ bàn tán sôi nổi vì tin tức ấy", ông Hậu kể. Ảnh: Đoàn Bổng |
Ngoài những thông tin chính trị, thời sự, ông cũng thông báo về tình hình vệ sinh, an ninh trật tự của phường để người dân rút kinh nghiệm, học tập.
“Lần đó, trong phường có xảy ra một việc nghiêm trọng là có đôi vợ chồng anh T. và chị M. xung đột. Người chồng đánh vợ đến mức chấn thương, buộc phường phải can thiệp, giải quyết. Khi đọc bản tin này, vì bất bình với hành vi đánh vợ của anh T., tôi đã chỉnh loa, chĩa thẳng vào nhà anh ấy. Tôi đọc bản tin ấy liên tục một tuần để mục đích cảnh cáo, phê bình việc bạo lực trong gia đình”, ông Hậu cho biết.
“Những gia đình nào xả rác bừa bãi, để rác không đúng chỗ, cho chó mèo đi vệ sinh lung tung…cũng được bêu tên trên loa phường. Tôi đọc to và rõ ràng số nhà, số tổ để họ rút kinh nghiệm trong vệ sinh chung”, ông Hậu kể.
Về công việc thường ngày, ông cho biết: “Thời đó, cứ 5 giờ kém tôi dậy pha một ấm trà uống cho thanh giọng. Sau đó tôi ra phường. Đúng 5 giờ 30 nhạc hiệu chương trình phát thanh vang lên. Nhạc hiệu kết thúc tôi bắt đầu câu giới thiệu quen thuộc: “Mời bà con và các bạn lắng nghe…”. Sau đó tôi lần lượt đọc các bản tin”.
Theo ông Hậu, thông tin thời sự của phường được ưu tiên đọc trước. Tiếp theo đó, ông đọc tin thời sự chung của Hà Nội và cả nước. Sau phần tin tức thời sự là thông tin về thời tiết. Cuối cùng lại quay về tin an ninh trật tự, công tác vệ sinh, văn hóa… của phường.
Khoảng 30 phút của buổi phát thanh ông sẽ phát xen kẽ một bài hát. Đến 7 giờ chương trình kết thúc.
“Buổi sáng là buổi phát chính. Chương trình phát thanh buổi chiều chỉ khoảng 30-45 phút. Nếu trong ngày, phường Thổ Quan có thông tin gì mới tôi sẽ đọc, còn không bà con sẽ lại nghe lại bản tin buổi sáng”, ông cho biết thêm.
Cựu Phát thanh viên này cũng khẳng định, đọc loa phường là công việc không hề đơn giản. Bản thân ông phải chọn lọc tin tức, xác minh tin và đọc bằng một giọng truyền cảm, đúng từ dấu chấm đến dấu phẩy.
Ông nói: “Để làm việc này tôi giữ giọng rất cẩn thận. Tôi không uống đồ lạnh, thay vào đó là nước ấm. Mùa đông đi đâu tôi cũng quàng khăn giữ ấm cổ. Buổi sáng súc miệng bằng nước muối ấm…Vì vậy suốt 26 năm làm việc tôi chưa lần nào ốm để đến mức không thể đọc tin nổi”.
Cũng theo ông Hậu, loa phường ngày xưa là một phần không thể thiếu trong đời sống người Hà Nội. Có người dân bảo với ông, nhờ tiếng loa của ông họ không cần đồng hồ báo thức, không bao giờ dậy muộn giờ.
Ngày xưa không có nhiều phương tiện truyền thông, sáng sớm người dân tụm năm, tụm 3 dưới cột loa chỉ để nghe 1 tin quan trọng và họ bàn tán sôi nổi vì tin tức ấy. Sau đấy, họ mới bắt tay vào làm việc cho ngày mới.
“Những ngày giáp Tết như hiện tại, tôi chỉ phát những bản tin vui vẻ, chương trình ca nhạc chào xuân. Dù ngày chủ nhật, dù ngày lễ Tết, dù nắng, dù mưa…chưa một ngày nào thiếu tiếng loa phường”.
Suốt một thời gắn bó với chiếc loa, ông Hậu chỉ giữ lại cho mình tấm Huy chương Vì sự nghiệp văn hóa. Trước thông tin loa phường có thể bị xóa bỏ, ông nói: “Tôi rất tiếc nếu đó là sự thật”.
Thay thế loa phường bằng phương tiện thông tin nào?
Nhiều ý kiến độc giả VietNamNet đồng tình với việc bỏ loa phát thanh phường, nhưng cũng có ý kiến cho rằng cần có những giải pháp toàn diện hơn để thay thế được vai trò của hệ thống thông tin này.
Ngọc Trang - Diệp Thu