Với “lý lịch trích ngang” khá năng động, sư Minh Giải sinh ra và lớn lên ở Quảng Ninh, sống, làm việc tại Hà Nội gần 10 năm và chính thức trở thành một tu sĩ vào tháng 8/2018.

Từ khi còn là sinh viên cho đến khi xuất gia, vị sư này tham gia rất nhiều các hoạt động tình nguyện, từ thiện, văn hóa - văn nghệ. Sư đã có khoảng thời gian là MC của một số chương trình truyền hình, cộng tác viên của một số báo điện tử cũng như dấn thân, phụng sự trong việc chia sẻ Phật pháp tới các bạn trẻ tại Hà Nội, khu vực miền Bắc.

Năm 2015, sư được Trung ương Đoàn Thanh niên trao tặng giải thưởng Sao Tháng Giêng cho cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên. Hiện sư Minh Giải đang là học viên Cao học chuyên ngành Quản lý Văn hoá thuộc Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế.

Dự kiến tháng 5/2022 sư Minh Giải sẽ bảo vệ Luận văn Thạc sĩ, ước nguyện trở thành nghiên cứu sinh về lĩnh vực này, với việc nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử, văn hóa xứ Huế.

{keywords}
Nhà sư trẻ mong muốn sẽ nối gót tiền bối nghiên cứu về văn hóa, con người cố đô Huế.

Trên đường “tầm đạo”, vị sư chọn cố đô là điểm dừng. Sư Minh Giải nói về nhân duyên đó của mình?

Đã ba năm sống trong chốn thiền môn và cho đến tận bây giờ tôi vẫn luôn hạnh phúc vì sự lựa chọn của mình. Trước đây, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình lại lựa chọn cố đô là nơi dừng chân học đạo. Nhưng nhân duyên, mà nhiều nhất có lẽ là nhân duyên với mảnh đất, với con người xứ Huế, nhân duyên với thầy tổ đã khiến tôi có mặt ở đây.

Hòa thượng Pháp Tông, trụ trì chùa Huyền Không (TT-Huế) - sư phụ tôi vẫn thường nói với tôi là: “Có lẽ trong những kiếp sống về trước con đã từng là người sinh ra và lớn lên tại Huế, thậm chí có thể đã từng là một trong những người sống trong Kinh thành Huế cũng nên”.

Có thời gian 3 năm sống tại Huế, sư cảm nhận về con người và văn hóa nơi đây có gì đặc biệt?

Khi nhắc tới Huế, nhiều người trong chúng ta thường cho rằng Huế rất buồn, ai không quen thì không thể ở được. Với cá nhân tôi, từng là một người hoạt động rất năng nổ trong các hoạt động xã hội, đã quen với cuộc sống xô bồ, náo nhiệt, ồn ào (trước khi xuất gia tôi từng có 10 năm sống và làm việc tại Hà Nội) nhưng khi tới Huế tôi lại có thể thích ứng rất nhanh và có lẽ giờ đây, tôi đã quen với cuộc sống nơi này.

Huế trong tôi là một nơi có phong cảnh đẹp, một địa danh nhiều chứng tích văn hóa, lịch sử - nơi ghi dấu vàng son một thủa của triều nhà Nguyễn. Chẳng có ở nơi đâu ngoài Huế, khi muốn tìm hiểu về lịch sử, văn hóa lại dễ dàng đến vậy, không chỉ là qua những trang sách mà còn có thể đến thực tế những nơi mình muốn đến.

Con người của xứ Huế cũng vậy, họ cũng thật đặc biệt. Tôi khoan chưa nói đến thế hệ trẻ ngày nay. Thế hệ mà tôi muốn nói đến là những con người - những nhân chứng lịch sử, những nghệ nhân cung đình và các lớp người sinh ra, lớn lên và sống ở Huế đã vài chục năm qua. Họ vất vả cũng có, cần mẫn, chịu thương, chịu khó. Họ có nghị lực vượt qua khó khăn một cách phi thường nhưng vẫn luôn cố gắng giữ gìn nét đẹp trong nhân cách sống và cách họ giáo dục cho thế hệ sau là điều mà tôi vô cùng trân trọng.

Được biết, hiện tại sư đang bắt tay vào nghiên cứu và tìm hiểu lịch sử, văn hóa xứ Huế? Vì sao sư lại chọn đề tài này cho công việc của mình?

Sau khi được Hòa thượng sư phụ cho phép, tôi đã tiếp tục con đường học tập của mình lên các bậc học cao hơn, và cũng từ đó tôi bắt tay vào việc tìm hiểu và nghiên cứu về lịch sử, văn hóa xứ Huế.

Trước đây khi còn học phổ thông, tôi là một học sinh lớp chuyên sử. Ước mơ lớn nhất của tôi thời điểm đó là được trở thành một giáo viên dạy sử hoặc trở thành một nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa Việt Nam.

Thời gian cứ thế trôi đi nhưng ước mơ ấy chưa bao giờ lụi tắt, giờ đây lại có điều kiện thuận lợi để hiện thực hóa. Tôi nghĩ, với tâm cầu học và với sự hỗ trợ, giúp đỡ từ những giảng viên đang dạy tôi, những nhà nghiên cứu, những học giả nghiên cứu về Huế mà tôi biết, tôi sẽ có thể làm thật tốt công việc này.

Có thể nói đây là đề tài khá rộng và không mới, hẳn đã được các nhà nghiên cứu khác tìm hiểu hết rồi. Liệu sư sẽ có cách tiếp cận gì mới?

Đúng như nhận định của anh, đây là một mảng đề tài rộng và không mới, đã được nhiều nhà nghiên cứu tìm hiểu. Tuy nhiên, có một điểm khác biệt mà tôi nhận thấy ở đây, đó chính là việc nghiên cứu này được thực hiện bởi một tu sĩ Phật giáo. Quan trọng hơn là tôi đã có những hiểu biết nhất định về lịch sử, văn hóa xứ Huế và con người xứ Huế tôi mới có thể bắt tay vào thực hiện mục tiêu lớn của mình đó là xây dựng đề tài luận án tiến sĩ.

Dự kiến nội dung mà tôi hướng tới sẽ là sự du nhập và phát triển của Phật giáo Nguyên thủy (Phật giáo Nam tông) tại Huế và ảnh hưởng của Phật giáo Nguyên thủy tới đời sống, nếp sống và văn hóa của con người đất Thần Kinh.

Nói đến văn hóa - lịch sử, nhiều người sẽ nghĩ là chuyện của những… ông già, vậy sao một nhà sư 9X lại chọn lĩnh vực này để nghiên cứu?

Như đã chia sẻ, tôi là học sinh chuyên sử nên việc tôi lựa chọn lĩnh vực này để nghiên cứu cũng là phù hợp. Hơn nữa, tôi đã có mục tiêu, lộ trình rõ ràng, cụ thể trên con đường tu học của mình nên tôi hoàn toàn tin tưởng mình có thể dành trọn tâm huyết để thực hiện những nghiên cứu đó. Và quan trọng hơn cả, tôi có tình yêu, một thái độ trân quý với những giá trị văn hóa và lịch sử của đất nước.

Theo sư, làm sao để lớp trẻ yêu lịch sử, gìn giữ và kế thừa được nền văn hóa của cha ông, di sản của tổ tiên để lại?

Để lớp trẻ yêu lịch sử, giữ gìn và kế thừa được nền văn hóa của cha ông, di sản của tổ tiên để lại, trước hết tôi nghĩ chính gia đình, nhà trường là nơi dạy dỗ các bạn từ ban đầu cần chia sẻ, định hướng có phương pháp và hiệu quả về lòng yêu nước; biết tôn trọng lịch sử đất nước; biết nâng niu và gìn giữ những giá trị tốt đẹp về văn hóa mà các thế hệ ông cha đã dày công xây dựng và truyền trao lại cho chúng ta.

{keywords}
Sư cũng đang nỗ lực trong việc bảo tồn văn hóa cố đô.

Lịch sử là một câu chuyện tiếp nối từ quá khứ đến hiện tại, giúp cho người trẻ hiểu được lịch sử, giữ gìn nét đẹp văn hóa và thông qua đó ứng dụng vào hiện thực đời sống là một trong những ưu tiên mà những người đóng vai trò là các nhà quản lý giáo dục, những người là thầy giáo, cô giáo, những người là các bậc cha mẹ nên làm.

Lịch sử không chỉ là dữ kiện, không chỉ những con số khô khan trong quá khứ, văn hóa không chỉ là trên những trang giấy mà là những câu chuyện sống động, lý thú và giá trị. Bên cạnh đó, tự thân những người trẻ cũng cần phải nâng cao nhận thức của mình, phải chủ động học hỏi, tìm hiểu thì mới có được những hiểu biết đúng đắn và phù hợp trong quá trình học lịch sử cũng như bảo tồn, giữ gìn những giá trị tốt đẹp của lịch sử, văn hóa đất nước.

Nếu có một đề xuất cho việc bảo tồn văn hóa cố đô, sư sẽ nói gì?

Hành động quyết liệt hơn là đề xuất mà tôi muốn nói tới trong việc bảo tồn văn hóa cố đô. Các ban ngành lãnh đạo của tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay rất coi trọng việc bảo tồn, trùng tu những công trình, di tích xuống cấp hoặc cho xây dựng mới những công trình hư hại, đổ nát và mất mát do chiến tranh, thiên tai.

Bên cạnh đó, một làn sóng lớn các bạn trẻ hiện nay quay về với lịch sử, văn hóa cung đình đang là một trong những động lực mạnh mẽ để hồi sinh những nét đẹp văn hóa cố đô vốn đã mai một. Xin chúc cho chúng ta sẽ chân cứng đá mềm trong hành trình này.

Lưu Đình Long

Ca sĩ gửi gạo, nhà chùa nấu cơm cùng Sài Gòn vượt đại dịch

Ca sĩ gửi gạo, nhà chùa nấu cơm cùng Sài Gòn vượt đại dịch

Bắt đầu từ 3h sáng đến 23h đêm mỗi ngày, tăng, ni, phật tử, người dân… tất bật chuẩn bị 6000 phần cơm gửi đến người nghèo, y bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch tại TP.HCM.