Tuyến bài "Nhà sư viết sách chữa lành tâm hồn" sẽ kể về những tác giả đặc biệt. Họ khoác áo nâu sồng, học đạo Giải thoát của Đức Phật nên có cái nhìn về cuộc sống một cách thiền vị, tỉnh thức. Những tác phẩm của họ có thể là “liều thuốc” giúp độc giả vượt qua chướng ngại, phiền não trong cuộc sống, công việc, tình yêu hay những khó khăn tự thân nhờ cảm nhận sâu sắc và cùng thực hành.
Từ những lần viết nhật ký trải lòng
Cột mốc giải Nhất môn Văn cấp Thành phố năm học 2004 - 2005 và việc trải lòng trong từng trang nhật ký - dưới dạng một bài văn ngắn - xoay quanh những chuyện vui, buồn, hài lòng, bất bình khi còn là tu sĩ trẻ được tác giả Diệu Hoa ấn định là khởi nguyên của những tác phẩm về sau. Có khi đó còn là vài câu thơ - kiểu sự việc thế nào viết ra thế nấy nên luật bằng trắc, vần điệu không chuẩn - được cô viết tay trong quyển tập chứ không trên điện thoại hay laptop như bây giờ.
Năm 2020, Sư cô Thích nữ Diệu Hoa đủ duyên xuất bản sách, từ gợi ý của người bạn đồng tu. “Vị ấy nói về trách nhiệm của tu sĩ, về việc du học của tôi. Học xong phải về nước cống hiến và phục vụ cho Giáo hội. Nên góp công sức, trí tuệ vào nền giáo dục Phật giáo nước nhà và nghiên cứu dịch thuật”.
Bấy giờ, cô trăn trở - dịch kinh thì những bậc Thầy đã đảm trách; dịch sách không phải “con đẻ” của mình và rất sợ bản thân dịch sai ý của tác giả.
“Đi dạy các trường Phật học chắc không đủ phước báu vì bản tính rụt rè nhút nhát nên tôi quyết định chọn viết lách theo sở trường”, cô nhớ lại. Những bài nháp viết nhiều năm trước nội dung không còn phù hợp sư cô xóa bỏ luôn bản thảo và đặt bút viết lại bài mới hoàn toàn.
Nhớ lại những quyển nhật ký lúc còn học phổ thông bị thất lạc, cô cho biết, nếu tìm lại được sẽ cố gắng xuất bản luôn bản viết tay để kỷ niệm một thời siêng năng, "hở ra là viết đó". Nói về những đứa con tinh thần, cô cho biết “bạn" nào cũng yêu, nhưng nếu bắt buộc chọn cuốn thích nhất thì đó là Tĩnh lặng buông thư (tản văn).
“Hầu hết các bài đều viết bằng cảm xúc thật. Có những bài ngồi viết mà tiếng còi xe cứu thương ngoài đường làm mình nức nở. Bối cảnh dịch bệnh thật nhói lòng. Cứ nghĩ là không còn cơ hội để về nước nhưng lúc nào cũng phải mạnh mẽ để gia đình không lo lắng”, cô nhớ lại thời điểm cam go để ra đời cuốn sách.
Khoảng thời gian khá dài trong dịch bệnh Covid-19, cô ở Sri Lanka và cũng “chôn chân” trong phòng, không mua được lương thực, nhiều lần uống nước trắng thay cơm. Sư cô xúc động nhớ lại việc tự cân bằng cảm xúc để viết ra những điều tử tế mà người dành cho người giữa lúc dịch dã tràn lan trên quê hương, và viết về nỗi nhớ nhà của người con xa xứ.
“Có một độc giả cùng cảnh ngộ, đọc được bài viết và giải tỏa được tâm trạng, nhẹ tênh cõi lòng”, cô kể. Phần lớn sách của sư cô được bạn đồng tu liên hệ mua đọc, tặng nhau. Có một bạn nhỏ chia sẻ, “trưa nào con cũng ôm bộ sách của cô”, đơn giản vì thích “bộ sưu tập” của Sư cô Diệu Hoa.
Tình cảm thương mến của mọi người là động lực cho cô cố gắng “luyện bút” để những tác phẩm sau này mang nhiều nội dung ý nghĩa hơn.
Nuôi dưỡng niềm vui viết lách
Viết với Sư cô Thích nữ Diệu Hoa là niềm vui nên “tôi sẽ không từ bỏ trừ khi một ngày nào đó sức khoẻ không cho phép”.
Theo tác giả, có rất nhiều câu chuyện từ tế, chuyện đau lòng của những người tin tưởng cô, họ không ngại tâm sự trút nỗi niềm. Cô cho biết, sẽ cố gắng để ngòi bút của mình xoa dịu được tổn thương trong lòng người, lấy chất liệu từ những điều đã nghe, đã thấy.
Để viết nhiều và viết tốt, tác giả Diệu Hoa luôn có thời khóa biểu riêng. Giờ ngồi thiền tu tập là không thay đổi. Giờ viết không cố định, bất cứ lúc nào có tâm trạng tốt, có cảm xúc và chút thời gian rảnh là cô lại viết. Đọc sách cũng vậy, không có thời điểm cụ thể nhưng sư cô mặc định phải đọc mỗi ngày.
“Công việc cũng nhiều nhưng tôi tập thói quen mỗi ngày đều phải đọc ít nhất một trang. Không đọc sách tham khảo thì nghiền ngẫm sách nghiên cứu hoặc đọc kinh sách Phật, có khi lại xem sách của mình. Không đọc lấy lệ, mà phải nghiêm túc, hoan hỷ với mọi người nhưng khắt khe với bản thân. Giống như mỗi ngày cần ăn cơm để nuôi sống thân này thì phải đọc sách nuôi dưỡng trí não vậy”, sư cô Diệu Hoa bày tỏ.
Nói về việc đọc và viết có sự tương hỗ cho nhau, Sư cô Diệu Hoa khẳng định thích đọc sách từ lúc nhỏ. Theo đó, ngoài các bài học chính trong sách giáo khoa thì những bài đọc thêm cô cũng không bỏ bài nào. Sách của anh chị trong gia đình học lớp lớn hơn, sư cô cũng mượn đọc. Những tờ bị rách mất chữ cô còn ngồi đoán từ để biết trọn câu của tác giả.
Bây giờ đất nước phát triển, nhiều phương tiện để tiếp cận sách dễ dàng. Tác giả Diệu Hoa cho rằng, đọc sách điện tử rất tiện vì không phải mang nhiều quyển nặng, chỉ cần dùng điện thoại thông minh là có đủ thứ mình cần và kết quả tìm kiếm cũng rất nhanh.
“Nhưng độ sáng màn hình ảnh hưởng đến mắt. Do vậy, dù tiện lợi nhưng tôi vẫn yêu thích đọc sách giấy hơn, có cảm giác bình yên, thân thiện và truyền thống hơn. Với lại, âm thanh khi lật trang sách dễ thương lắm, mặc dù rất khẽ. Đọc sách giấy làm cho mình tập trung và nhập tâm hơn. Vào thư viện đọc sách giấy dễ chịu hơn ngồi trên lớp cầm điện thoại để đọc. Song tùy hoàn cảnh vẫn có thể chọn đọc sách điện tử, như lúc đang trên xe chẳng hạn”, Sư cô Diệu Hoa cho hay.
Theo tác giả, thói quen đọc sách giúp con người bổ sung kiến thức: “Đọc sách bộ não sẽ làm việc, mà não làm việc trí mình sáng ra. Một tác phẩm dù văn hay hoặc dở, thơ có bay bổng hay không đều có ý giáo dục và yêu thương trong đó”.
Sư cô Diệu Hoa khẳng định, những tác giả trẻ hay các ngòi bút gạo cội đều có cái hay riêng. Việc kén chọn tác giả là rất bình thường, nhưng đừng bỏ lỡ một tác phẩm mà ta cần khi bão lòng đang dậy sóng. Biết đâu những ngòi bút trẻ vốn liếng văn chương chưa dày dặn lại có kinh nghiệm vá lành vết thương bên trong.
Nói với VietNamNet, Sư cô Diệu Hoa nhắn nhủ: “Nếu bạn yêu viết lách thì đừng ngại không có độc giả. Chỉ cần có một người đọc bạn đã thành công. Sẽ không có gì buồn nếu bạn là độc giả của chính mình. Vì khi đọc những gì bạn viết, bạn đồng tình và cảm nhận được tâm tư nhắn gửi qua nội dung thì người khác sẽ dần yêu mến văn chương và cả con người của bạn”.
(Ảnh: NVCC)
Bài 3: Sư cô viết 9 tác phẩm tiết lộ cuốn sách giúp ích cho hàng ngàn phạm nhân