Nhà thơ Vũ Mai Phong sinh năm 1977 tại Kiến Xương - Thái Bình. Ông đã xuất bản các tập thơ Cõi bình yên (2012), Nẻo về (2024), Rồi mai mùa sẽ vui (2024). Thơ của Vũ Mai Phong được dịch sang tiếng Anh và đăng trên một số tạp chí văn chương quốc tế.
- Tính cách đặc trưng của người tuổi Tỵ như kín đáo, bình tĩnh, bảo thủ và bí ẩn ảnh hưởng đến cách anh sáng tác thơ không?
Tôi nghĩ tuổi Tỵ cũng như những tuổi khác sẽ hội đủ các kiểu tính cách. Tôi biết chút ít về tử vi thấy mỗi người sinh ra đều có mệnh số. Sở thích có lẽ cũng được định hình từ khi mới sinh rồi môi trường và mối quan hệ xã hội sau này sẽ tác động thêm tới thiên hướng ấy. Người yêu thích thơ, nhạc, người mê hội họa, thể thao... Tôi thích vẻ đẹp của ngôn ngữ, thấy thú vị khi bằng các tứ thơ có thể tạo nên một bức tranh hay thông điệp nào đó.
- Trong các tập thơ, anh có sử dụng hình tượng con rắn để ẩn dụ hoặc truyền tải thông điệp nào đặc biệt?
Trong văn hóa, tôn giáo, linh vật rắn có nhiều điều khá thú vị. Nhưng tôi nhớ tới một bức tranh cổ về Phục Hy và Nữ Oa mình người, đuôi rắn quấn vào nhau gọi là “giao đuôi”. Ông Phục Hy cầm Củ (Ê ke) tượng trưng cho dương - nam tính - mặt đất - sự kiên trì - tự giác… Bà Nữ Oa cầm Quy (Compa) tượng trưng cho âm - nữ tính - bầu trời - sự tròn trịa… Đây cũng chính là quy luật âm dương của vũ trụ - vạn vật, vận hành theo quy củ vậy. Vì thế, trong bài Nói với con (tập Nẻo về), tôi có câu "Mỗi năm một lần cây thay vỏ, loài rắn thay da cũng vài lần" để nói về sự trưởng thành của con người qua các biến cố trong cuộc sống để thích nghi, thay đổi và bứt phá.
- 2025 là năm tuổi, anh có kế hoạch hoặc dự án thơ nào để đánh dấu mốc đặc biệt này?
Tôi xuất bản sách thơ Cõi bình yên (2012), Nẻo về và Rồi mai mùa sẽ vui trong năm 2024. Năm 2025, tôi đã xong bản thảo một tập thơ mới và có thể thêm tập truyện ngắn nữa để kỷ niệm “năm tuổi”.
- Từng có thơ được báo chí nước ngoài đăng tải, anh làm thế nào dung hòa giữa việc đưa các yếu tố quốc tế vào tác phẩm mà vẫn giữ được bản sắc Việt Nam?
Trước khi đưa thông điệp đến với bạn đọc, ngoài tâm niệm neo giữ lấy “hồn cốt” của dân tộc Việt, của ông cha, của làng quê mình tôi bắt bản thân phải tìm tòi thể hiện tác phẩm sao đó gần nhất với xã hội hiện đại. Cách cảm, cách nghĩ phải chân thật, đúng như tâm hồn ông cha ngày xưa nhưng cách thể hiện phải mới, góc nhìn hiện đại.
Nếu nhen nhóm xuất hiện đề tài mới, tôi suy ngẫm, nuôi dưỡng cảm xúc và đến một lúc nào đó thích hợp viết ngay vào điện thoại. Trong nhiều tác phẩm viết tự do, thi thoảng tôi vẫn xen vài câu lục bát. Giáp Tết nên tôi xin phép chia sẻ vài câu thơ với độc giả VietNamNet:
Tết sấp ngửa
rủi may như trò xóc đĩa
chợ hoa xuân la liệt
trăm người bán nào vạn kẻ mua
lũ trẻ con không còn háo hức như xưa
người già không xếp bằng ngồi chơi tam cúc
dân hay quan đều ngược xuôi, xuôi ngược
thế cờ vẫn chưa tàn cuộc
hết năm!
Thôi, đừng xao xác thân tâm
Chiều giêng bừng sáng ngọc trâm nơi này...
(Viết cho ngày cuối năm)
---
Nhìn lại ta tấm hình hài
Tả tơi sau cuộc miệt mài bon chen
Nhủ rằng nhàu chẳng chịu hèn
Mỗi năm đến Chạp giao phiên sửa mình
(Giáp Tết)
---
Tất niên gột cái thân tôi
Lại thấy thêm vài vết sẹo
Bỏ ngoài kia thơm cạm bẫy
Vục trong nức nở mùi già.
(Tất niên)
- Những chủ đề trong thơ của anh là gì và tại sao chúng lại quan trọng như vậy?
Tôi thích mảng đề tài về thế sự, bởi nó có tính thời sự với chất liệu ngồn ngộn đang diễn ra hàng ngày. Mảng đề tài Lịch sử - tín ngưỡng, kiến thức Phật học cũng cuốn hút vì tôi vốn đam mê nghiên cứu cổ sử, đặc biệt là văn hóa Đông Sơn, Lạc Việt.
- Vai trò của thi ca trong việc giúp con người vượt qua tổn thương và mất mát, đặc biệt sau đại dịch, xung đột tại các điểm nóng của thế giới là gì? Điều này có tác động như thế nào đến cách anh viết?
Thơ ca, âm nhạc mang tới nguồn năng lượng tích cực, giúp con người chữa lành, cân bằng tâm hồn trong cuộc sống đầy biến cố. Chúng ta như muốn trở về chính mình của hiện tại, yêu thương và quan tâm tới nhau hơn. Sau đại dịch hay các cuộc chiến trên thế giới và thiên tai lớn đã xảy ra, càng thấy quý giá từng phút giây mình được sống có ý nghĩa, thiện lương. Tôi cũng có thời gian quý giá “lắng lại” để có thêm nhiều chiêm nghiệm hơn. Nhờ nó, tôi viết được khá nhiều và nhanh.
- Anh có chia sẻ cho những người đang tìm cách thể hiện cảm xúc hoặc vượt qua sự xáo trộn nội tâm thông qua việc sáng tác hoặc đọc thơ?
Kinh nghiệm của tôi là hãy sống tích cực, lao động và cống hiến hết mình, yêu người và yêu đời. Từ trong cuộc sống phong phú, nhất định bạn sẽ tìm thấy đề tài và cấu tứ, hình thức thể hiện tác phẩm. Mình cứ mạnh dạn viết ra. Biến cố cũng giúp ta trưởng thành, vững vàng và có trải nghiệm để viết sâu hơn. Có lần, anh bạn đưa cho tôi đọc những bài thơ do trí tuệ nhân tạo AI làm và cho rằng dần dà AI sẽ làm thay nhà thơ!? Tôi cười “đó không phải là thơ”.
Tôi có thầy giáo dạy Lý hồi đại học, ông không làm thơ nhưng nói chí lý: “Thơ là phải có câu chuyện, thơ cũng phải rất thơ mới ra thơ”. Tôi không thích những bài đọc rất mượt mà, nhưng đọc xong không biết tác giả đang nói gì.
- Những nghiên cứu triết học, lịch sử, văn hóa trong lặng thầm của anh mang lại điều gì cho chính mình, cho nghiệp viết thơ và cộng đồng?
Công việc chính của tôi liên quan nhiều tới các mối quan hệ xã hội - con người. Văn chương, Phật giáo, lịch sử giúp tôi có góc nhìn nhân bản. Ngoài công việc, tôi dành thời gian đọc, nghiên cứu về lịch sử văn hóa và càng hiểu về trống đồng tôi càng tự hào về nguồn cội.
Tôi biết chúng ta đang có nhiều nhà nghiên cứu ẩn danh cả trong và ngoài nước rất giỏi và tâm huyết với cổ sử. Hy vọng sau này sẽ có người hoặc tổ chức đủ uy tín có thể quy tụ được họ lại, tiếp nhận, mở rộng và phát huy các đề tài nghiên cứu văn hóa đó.