Đề xuất trên được UBND TP Nha Trang đưa ra tại báo cáo thực hiện kế hoạch tổng hợp phục hồi Vịnh Nha Trang đến năm 2030, trong đó có đề xuất mở lại điểm lặn Hòn Mun sau thời gian tạm ngưng để phục hồi hệ sinh thái nơi này.
Ban quản lý Vịnh Nha Trang trước đó cũng có đề xuất với UBND TP Nha Trang cho phép mở lại điểm lặn phía Nam đảo Hòn Mun. Với đề xuất này, Ban quản lý Vịnh Nha Trang sẽ chịu trách nhiệm tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ về số lượng du khách để không gây hiện tượng quá tải cho hệ sinh thái, chỉ áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh hoạt động lặn thể thao chuyên nghiệp có đăng ký, khách tham gia lặn phải có chứng chỉ lặn thể thao quốc tế.
Ngoài ra, Ban quản lý vịnh đề xuất tiếp tục dừng các hoạt động lặn, thường xuyên theo dõi rạn san hô và tổ chức tuần tra, kiểm soát 24/24h tại các khu vực còn lại của Hòn Mun.
Cùng với đó, ban này sẽ phối hợp với các chuyên gia để khảo sát, đánh giá lại hiện trạng san hô ở Hòn Mun, nếu đạt kết quả tốt sẽ tính đến việc mở trở lại điểm lặn ở khu vực này.
Trước đó, từ ngày 27/6/2022, Ban quản lý vịnh Nha Trang đã tạm dừng hoạt động bơi, lặn biển, tàu và thúng đáy kính trong vùng nước đảo Hòn Mun cho đến khi có thông báo mới. Thời gian này, ban quản lý vịnh bố trí lặn tạm thời tại khu vực Đông Bắc Hòn Rơm với số lượng khách hạn chế.
Liên quan sự việc trên, cuối năm 2022 và hồi tháng 3/2023, phía Bắc và Tây Nam đảo Hòn Mun có độ phủ san hô sống (gồm cả san hô cứng và san hô mềm) chiếm khoảng 74,5%. Tỉ lệ này nằm ở khoảng giữa trong thang bậc xếp hạng tốt (51-75%).
Khu vực phía Tây Bắc và phía Tây Hòn Mun, do ảnh hưởng của cơn bão số 9 tháng 12-2021 nên san hô bị gãy đổ, hiện san hô có dấu hiệu phục hồi, đặc biệt là giống Acropora chiếm ưu thế và các loài san hô mềm.
Sự phục hồi này là kết quả thực hiện các giải pháp tăng cường công tác tuần tra, giám sát và tạm dừng mọi hoạt động dịch vụ du lịch trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt.