Khi xung đột Ukraine bước sang năm thứ hai, Mỹ đã cho công bố thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào hàng chục công ty và cá nhân của Nga, đồng thời tăng thuế đối với các mặt hàng Nga vẫn được phép nhập khẩu.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) cũng đã thông qua gói trừng phạt thứ 10 đối với Nga bao gồm giới hạn hoạt động xuất khẩu các mặt hàng và công nghệ lưỡng dụng, bổ sung biện pháp hạn chế mới đối với những cá nhân và tổ chức bị cáo buộc hỗ trợ cho quân đội Nga. Các đồng minh phương Tây gồm Anh, Thụy Sĩ, Australia, Nhật Bản và New Zealand đã tham gia những biện pháp trên.
Tuy nhiên, theo ông Kirby, nền kinh tế Nga đang “chứng minh khả năng phục hồi”, nhưng không rõ điều này “có thể duy trì được lâu dài hay không”.
“Moscow đã phải thực hiện một số biện pháp quyết liệt nhằm hỗ trợ nền kinh tế quốc gia, hỗ trợ đồng nội tệ như tăng lãi suất”, RT dẫn bình luận của ông Kirby về các phương án thúc đẩy kinh tế của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Cơ quan Thống kê Rosstat báo cáo, các biện pháp trừng phạt khiến GDP của Nga bị giảm 2,1% vào năm 2022, thấp hơn nhiều so với mức 10 - 15% được dự đoán sau khi hàng loạt lệnh trừng phạt được ban bố vào tháng Ba năm ngoái. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế Nga được dự báo sẽ tăng 0,3% trong năm nay.
Sức mạnh của nền kinh tế Nga một phần đến từ giá dầu và khí đốt tăng lên trên toàn cầu, sau khi Nga, một trong những nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới của hai mặt hàng này, bị phương Tây trừng phạt. Sự tăng giá năng lượng đã bù đắp cho sự sụt giảm khối lượng xuất khẩu của Nga. Ngoài ra, Nga còn định hướng lại xuất khẩu một số mặt hàng và tăng cường bán năng lượng về phía đông.
Đồng Rúp của Nga cũng duy trì ổn định sau khi bị sụt giảm nghiêm trọng do tác động của các lệnh trừng phạt mà phương Tây ban hành vào tháng 3/2022. Nga còn chuyển sang giao dịch thương mại bằng đồng nội tệ với các nước đồng minh.
Hồi tuần trước, Tổng thống Putin cho biết Moscow sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác để hình thành một hệ thống thanh toán toàn cầu ổn định và an toàn, không dùng USD của Mỹ và các loại tiền tệ khác của phương Tây.
Tổng thống Putin cho rằng khả năng phục hồi kinh tế của Nga còn là nhờ ngành nông nghiệp hùng mạnh. Theo dữ liệu mới nhất của Rosstat, sản lượng thu hoạch nông nghiệp tại Nga đã tăng lên 153,8 triệu tấn vào năm 2022, tăng 26,7% so với năm 2021.
Trong khi đó, việc nhập khẩu song song các mặt hàng không nằm trong danh sách trừng phạt, cùng sự phát triển thương mại nở rộ với các quốc gia không tham gia trừng phạt Moscow đã góp phần khôi phục kinh tế Nga.
Sau quyết định sáp nhập bán đảo Crưm của Ukraine vào lãnh thổ Liên bang Nga, chính quyền Moscow đã phát triển một hệ thống thanh toán thay cho nền tảng giao dịch tài chính toàn cầu SWIFT do bị phương Tây đe dọa tách Nga ra khỏi hệ thống ngân hàng quốc tế.
Chính phủ Nga còn tạo ra hệ thống thanh toán quốc gia có tên Mir như một giải pháp thay thế cho Visa và Mastercard. Ngân hàng Trung ương Nga đã phát hành khoảng 150 triệu thẻ Mir kể từ cuối năm 2015.