Người Hy Lạp có 4 chữ dành cho 4 tình yêu khác nhau và trong cuốn sách Bốn tình yêu (NXB Phụ nữ ấn hành), C.S. Lewis cũng lần lượt nói về 4 tình yêu ấy.
Tuân thủ nguyên tắc "Không có cái cao nhất nếu không có cái thấp nhất", Lewis bắt đầu với tình thân - thứ tình cảm mà ông cho rằng là cơ bản hơn cả. Đây là tình yêu nảy nở từ sự quen thuộc: tình yêu giữa cha mẹ và con cái, giữa anh chị em trong nhà, giữa người và vật nuôi ăn ở lâu ngày, giữa một người với cái nhà thờ mấy trăm năm tuổi ở địa phương… Theo Lewis, nó có thể gọi là cơ bản bởi không có thứ tình yêu này, người ta không bước nổi những bước đầu đời, không gìn giữ nổi những thứ tình yêu khác.
Kế đến là tình bạn. Đây là tình cảm nặng về "phần hồn", ít "phần xác" nhất. Theo tác giả, bằng hữu kết tụ nhờ có chung một mối quan tâm "cùng nhìn về một thứ" chứ không phải "nhìn vào nhau". Chính vì thế, về nghĩa nào đó, những hoạt động của tình bạn ít mang màu sắc vị kỷ.
Tiếp theo là luyến ái - thứ tình cảm mà nhiều người cho rằng mang tính "sinh lý" hơn cả. Thế nhưng như tác giả lưu ý, ở nơi thực sự có luyến ái thì ham muốn thể xác chỉ đến sau cùng, chứ không phải là cái đầu tiên.
Cuối cùng là yêu thương. Theo Lewis, tất cả các tình yêu kia, ở mức độ nào đó, rồi cũng chỉ là một mặt của tình yêu này, như một mặt phẳng nhỏ bé kia trên viên kim cương. Mẹ mà ta thương, bạn mà ta trìu mến, tình nhân mà ta say đắm… tất cả rồi cũng chỉ là một phần, một phản chiếu nhỏ bé của Đấng mà ta đã yêu. Và khi quên mất mình đã yêu thì để được cứu rỗi, phải học yêu lại từ đầu.
Ngoài 4 chủ đề trên, trong cuốn sách Bốn tình yêu, Lewis cũng nhắc đến những thực tế vô cùng thiết thực, như mối nguy hại của việc sùng bái thế giới tự nhiên, sự tai hại của một bên là yêu nước cực đoan, một bên là bài bác hoàn toàn tinh thần ái quốc, về sự dại dột của việc trông đợi thứ tình yêu này làm được công việc của thứ tình yêu khác...
Theo dịch giả Nguyễn Công Nam: “Bốn tình yêu không cho lời dạy, nhưng nó giải thích được rất nhiều buồn bực, lâng lâng, chán chường và mong mỏi trong tình cảm gia đình, trong tình bạn, trong tình yêu lứa đôi và (cho những ai tin) trong mối quan hệ giữa người và Chúa”.
Nhận xét về cuốn sách này, tờ The New York Times cho rằng Bốn tình yêu xứng đáng trở thành tác phẩm kinh điển thứ yếu như một tấm gương phản chiếu tâm hồn - tấm gương soi những đức tính tốt và những khuyết thiếu trong tình yêu con người. Trong khi đó tờ Church Times ca ngợi Lewis chưa bao giờ viết hay hơn thế. Mỗi trang của tác giả đều lấp lánh những nhận xét mang tính soi sáng, khiêu khích và độc đáo.
Clive Staples Lewis sinh năm 1898 ở County Down (Ireland). Tuy viết về tình yêu, thế nhưng có một nghịch lý là phần lớn đời mình, Lewis sống không vợ và mãi không có con cái. Phải đến tuổi ngũ tuần, ông mới làm quen với Joy Davidman - một nhà thơ Mỹ gốc Do Thái và duy trì một tình bạn qua những bức thư với bà, để rồi sau đó hai người gặp gỡ trên đất Anh và đi đến hôn nhân.
Dùng lập luận vững vàng, lối hành văn hóm hỉnh, Bốn tình yêu của Lewis sẽ đưa độc giả qua những hành trình cảm xúc một cách nhẹ nhàng, tạo cảm giác chính mỗi người cũng có thể bước vào triết học của yêu đương một cách tường minh. Đồng thời, cho thấy một Lewis đa tài, đa phong cách, không chỉ đơn thuần là người viết truyện cổ tích.
Phước Sáng