- Vừa ra mắt cuốn tiểu thuyết thứ hai bằng tiếng Anh Dust Child và thực hiện xong chuỗi hơn 40 sự kiện ra mắt, tọa đàm về cuốn sách tại Mỹ, Canada và Anh, chị hẳn là đang ngập tràn hạnh phúc?
Vâng, cả hạnh phúc và biết ơn bạn ạ!
Ba năm trước, sự kiện ra mắt tiểu thuyết tiếng Anh đầu tay của tôi - The Mountains Sing (Những ngọn núi ngân vang) bị hủy do đại dịch Covid, vì thế tôi thấy rất may mắn và xúc động khi được trực tiếp gặp gỡ các độc giả năm nay.
Tôi cũng vừa có hành trình đáng nhớ đi qua 23 thành phố. Trước khi đi, nhìn vào lịch trình dày đặc với hơn 40 sự kiện, tôi lo ngã bệnh nhưng nhiều độc giả nhiệt tình tiếp sức. Trân trọng những người đã giúp đỡ mình, tôi cùng ban tổ chức thiết kế chương trình vừa ý nghĩa vừa nhiều cảm xúc. Tôi đã đọc thơ, hát cải lương, trình bày tác phẩm cùng với các nhà văn, nghệ sĩ khác.
Chuyến ra mắt sách lần này dài 3 tháng và đưa tôi đến cả New Zealand và Úc. Tiểu thuyết mới ra mắt, nhưng đã được mua bản quyền và dịch sang 9 ngôn ngữ, vì thế vào tháng 9 và tháng 10 tới tôi sẽ tiếp tục hành trình ở Italy, Thụy Điển, Na Uy, Anh.
- Dust Child ngay sau khi phát hành đã được điểm tên trong Top sách hay nhất tháng 3, Top sách hay nhất Xuân 2023 của nhiều tờ báo nước ngoài nổi tiếng cũng như các hệ thống phân phối sách Apple Books và Amazon. Các nhà bán sách độc lập ở Mỹ cũng đưa tác phẩm vào danh sách các quyển sách xuất sắc nên đọc (Indie Next Great Great). Chị có nghĩ đến điều này sau khi chuyển bản thảo đến NXB?
Hoàn toàn không. Tôi bắt tay vào viết quyển này khi bản thảo của tiểu thuyết đầu tay The Mountains Sing vẫn chưa tìm được NXB. Tôi viết đôi khi trong tâm trạng hoang mang, tự ti, hoài nghi về quyết định sáng tác trực tiếp bằng tiếng Anh. Bản thân đã nghỉ việc làm công ăn lương để tập trung viết và trong nhiều năm, tôi luôn trăn trở không biết quyết định đó đúng hay sai? Thế nhưng, chính những câu chuyện tôi gặp ở ngoài đời thật, những ước mơ, hoài bão cháy bỏng thôi thúc tôi phải viết.
Từ nhỏ, là người ham mê đọc sách, tôi ao ước được cầm bút. Cuộc sống đã đưa đẩy tôi vào rất nhiều nghề khác nhau, chỉ khi 33 tuổi tôi mới trở lại ước mơ thời thơ ấu: sáng tác văn học.
- Tôi tò mò về nội dung và thông điệp muốn gửi gắm qua tiểu thuyết Dust Child?
Đây là một lá thư đầy ắp yêu thương tôi muốn gửi gắm đến những ai từng bị chối bỏ, từng bị làm cho tổn thương. Sách viết về hành trình tìm lại cha mẹ và tìm lại chính mình của một người lai Việt-Mỹ tên Nguyễn Tấn Phong. Phong từng bị cha mẹ bỏ rơi, phải sống lang thang, trải qua nhiều biến cố, nhưng anh ấy không chấp nhận số phận.
Song song với số phận của Phong, là câu chuyện của Trang và Quỳnh: hai chị em ruột quê Kiên Giang nhưng phải lên Sài Gòn làm ở quán bar cứu giúp gia đình. Và còn có câu chuyện của Dan - một cựu binh Mỹ trở lại Việt Nam vào năm 2016 cùng với vợ - Linda. Suốt 46 năm, Dan cất giấu nhiều bí mật “động trời”, trong đó có việc từng phản bội Linda và có con với một người phụ nữ Việt Nam. Giờ đây, ông phải đương đầu với những bí mật ấy để có thể chữa lành cho chính mình và những người liên quan.
Dust Child được đặt bối cảnh ở miền Nam Việt Nam cả trong chiến tranh và thời điểm hiện nay. Sách nói về sự hàn gắn, tha thứ, hòa giải. Tôi cũng gửi gắm tình yêu thơ ca, âm nhạc và văn hóa Việt Nam trong tác phẩm: có nhiều khoảnh khắc trong tiểu thuyết nơi thơ ca và âm nhạc đã cứu rỗi các nhân vật của tôi vào thời điểm tăm tối nhất của cuộc đời họ.
Về tựa đề tiếng Việt của quyển sách, tôi đang suy nghĩ tới một ý tưởng có tính thơ. Mỗi bản dịch của Dust Child có tựa đề khác nhau: tiếng Italy là: Khi cát bụi bay lên, Thụy Điển: Khi tro tàn nở hoa còn tiếng Hà Lan là Những bí mật dưới tán cây bồ đề.
- Là một phụ nữ Việt Nam nhưng chị lại vào cả vai một cựu binh Mỹ. Chắc hẳn việc đó không ít khó khăn?
Vào vai một cựu binh Mỹ - một phi công từng lái trực thăng trong chiến tranh - là một thử thách lớn bởi vì tôi cần trang bị không chỉ vốn tiếng Anh, mà còn là kiến thức về đời sống thường nhật, nội tâm, cách diễn đạt của một người đàn ông bị sang chấn tâm lý sau chiến tranh (PSTD). Để làm được việc đó, tôi phải nghiên cứu và đầu tư vào nhân vật rất nhiều, nghiên cứu tiến sĩ của tôi về những tác động của PTSD lên con người đã giúp ích.
Nhiều năm qua, tôi làm việc với các cựu binh Mỹ, cùng trở lại chiến trường xưa, đã dịch các tác phẩm văn học của họ. Tôi từng phỏng vấn và viết về những cựu binh có con với phụ nữ Việt. Trải nghiệm trong thực tế giúp tôi xây dựng được nhân vật Dan Ashland. Khi sách được ra mắt ở Mỹ, tôi hồi hộp, không biết nó được cựu binh Mỹ đón nhận thế nào. Và tôi vô cùng xúc động khi nhận được sự đồng cảm của họ.
- Điều chị thấy ấn tượng và khác biệt nhất trong việc quảng bá sách tại nước ngoài (cụ thể là ở Anh, Mỹ) và Việt Nam?
Tôi thấy không phải cứ được xuất bản ở Anh và Mỹ là tốt mà còn phụ thuộc vào việc ai là người xuất bản. Mỗi năm ở Mỹ có 4 triệu quyển sách được in, bao gồm cả sách tự xuất bản. Số đầu sách của các NXB truyền thống từ 500.000-1 triệu quyển. Vì thế rất dễ để một tác phẩm “mất hút” vào biển sách. Có rất nhiều sách hay được ra đời mỗi ngày, nhưng nếu nó không được quảng bá, phát hành tốt, không lọt được vào danh sách đáng chú ý của báo chí, truyền thông cũng rất khó đến với bạn đọc.
Tôi may mắn có được các NXB tốt, đầu tư bài bản từ thiết kế, in ấn tới phát hành. Việc ấn định ngày xuất bản được thực hiện một năm trước đó và họ lên cả chương trình quảng bá sách quy mô. Mỗi NXB chỉ đảm nhiệm những thị trường mà họ có mạng lưới tốt. Vì thế, phiên bản tiếng Anh của quyển sách này được phân phối bởi các NXB khác nhau.
- Sau Dust Child, chị đã có ý tưởng cho cuốn sách mới chưa?
Tôi đã bắt tay vào sáng tác tiểu thuyết thứ ba, đặt bối cảnh là xã hội Việt Nam hiện tại, dựa trên những trải nghiệm trong công tác xã hội.
- Học tiếng Anh, rồi chuyển sang viết tiểu thuyết bằng tiếng Anh là một hành trình không đơn giản. Với những người quyết tâm theo đuổi con đường này, chị có lời khuyên nào?
Tôi nghĩ ai cũng có thể làm được và tôi mong có nhiều hơn nữa các nhà văn Việt Nam mạnh dạn sáng tác bằng ngôn ngữ khác để trực tiếp giao lưu cùng bạn đọc thế giới. Độc giả quốc tế rất muốn được tiếp xúc với những giọng văn mới mẻ, đến từ các quốc gia chưa có nhiều tác phẩm văn học được chuyển ngữ như Việt Nam.
Đối với những nhà văn đã có tiểu thuyết, hồi ký… bằng tiếng Anh hoặc bản dịch hay, lời khuyên của tôi là hãy kiên nhẫn tìm kiếm NXB uy tín, có mạng lưới phân phối tốt. Muốn vậy, cần có người đại diện văn học (literary agent), vì thường các NXB uy tín không nhận bản thảo tiểu thuyết, hồi ký… trực tiếp từ tác giả.
Người đại diện thường làm việc cho các công ty đại diện văn học, nơi đó có cả luật sư giúp nhà văn thương thảo điều kiện chặt chẽ từ bản quyền đến khâu phân phối và quảng bá tác phẩm.
Nhà văn Quế Mai đọc bài thơ 'Tổ quốc gọi tên':
Thao Giang