Một hàng dài phụ nữ cầm điện thoại thông minh hiển thị mã QR, chờ đến lượt vào nhà vệ sinh có thể là cảnh tượng quen thuộc ở Hàn Quốc trong tương lai. Bởi tập đoàn do chính phủ thành lập Korea Land & Housing Corp. (LH) đang thúc đẩy việc lắp đặt hệ thống truy cập kỹ thuật số tại các phòng vệ sinh công cộng dành cho phụ nữ nước này.
Tháng trước, LH đã giới thiệu máy quét mã QR tại các phòng vệ sinh dành cho phụ nữ trong công viên và các tòa nhà công cộng như một phần trong nỗ lực giải quyết nạn quay lén ở xứ kim chi, Korea Times đưa tin.
Theo đó, phụ nữ có thể nhận mã QR, hoạt động như một ID ảo thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh. Mỗi lần sử dụng, họ sẽ quét mã để được vào trong.
Nạn quay lén phụ nữ, đặc biệt là ở các nhà vệ sinh công cộng, khiến các nhà chức trách Hàn Quốc đau đầu. Ảnh: Yonhap. |
Những người không thể hoặc không muốn truy cập qua mã QR có thể sử dụng các phòng vệ sinh thông thường hoặc “xác nhận” giới tính thông qua các phương tiện khác, ví dụ như camera an ninh nhận dạng khuôn mặt, để được vào trong.
Dù có vẻ là ý hay, dự án này đang khơi dậy một cuộc tranh luận trong xã hội xứ kim chi.
Nhiều bất cập
Ngày 12/10, Hạ nghị sĩ Sim Sang-jung cho rằng việc dùng mã QR bắt buộc trong phòng vệ sinh công cộng gây ra rào cản hạn chế quyền truy cập cho những người không có smartphone hoặc gặp khó khăn trong sử dụng điện thoại thông minh, như người già, trẻ nhỏ, người có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế và người khuyết tật.
Bà Sim cũng cho rằng thật bất hợp lý khi những "nạn nhân tiềm năng" của nạn quay lén, chứ không phải kẻ xấu, phải cung cấp thông tin cá nhân để truy cập các cơ sở công cộng. Bên cạnh đó, việc buộc những cá nhân không dùng mã QR phải sử dụng các nhà vệ sinh khác không phải là một giải pháp hay.
Oh Joo-hyun, giáo sư nghiên cứu tại Đại học Yonsei, cũng đồng tình với ý kiến trên.
“Vấn đề là liệu những người sử dụng nhà vệ sinh nữ có thể thực sự cảm thấy an toàn khi thông qua hệ thống truy cập kỹ thuật số như vậy hay không. Thay vì nhẹ nhõm, họ có thể cảm thấy như đang bị giám sát vì ai đó sẽ chịu trách nhiệm theo dõi hồ sơ truy cập”, bà nói.
Hệ thống này cũng dấy lên nghi ngờ về việc thông tin sẽ được lưu giữ trong bao lâu và được quản lý như thế nào.
Trong khi nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, liên tục cập nhật các công nghệ, ứng dụng mới, vẫn có nhiều người “thiệt thòi về kỹ thuật số” ngày càng bị bỏ lại phía sau.
Nhiều người già, người khuyết tật sẽ gặp khó khăn khi sử dụng dịch vụ quét mã QR. Ảnh: Korea Times. |
Theo báo cáo năm 2019 của Hiệp hội Thông tin Quốc gia, những người có khả năng cơ bản sử dụng điện thoại thông minh và các thiết bị kỹ thuật số khác trong nhóm người tàn tật, người cao tuổi và người có thu nhập thấp là 60,2%.
Sự hạn chế tiếp xúc do dịch Covid-19 cũng làm tăng thêm khoảng cách giữa những nhóm người này.
Vào tháng 7, Trung tâm Chứng nhận Khả năng truy cập Web Hàn Quốc (KWACC) đánh giá các ứng dụng di động như Naver, KakaoTalk và PASS có chức năng mã QR, phát hiện ra rằng chúng có khả năng truy cập kém đối với người khiếm thị.
Một số khó khăn cụ thể bao gồm giới hạn 15 giây để quét chính xác mã một lần, thiếu hướng dẫn âm thanh và văn bản thay thế trong suốt quá trình.
"Từ việc lấy mã QR đến quét chúng, những người mù gặp khó khăn khi không có sự giúp đỡ của người khác", trung tâm cho biết.
Đối với những người nghèo, thậm chí không mua nổi smartphone, tình hình có thể còn tồi tệ hơn.
"Yêu cầu người vô gia cư không có điện thoại thông minh dùng mã QR để sử dụng dịch vụ chẳng khác nào cấm họ cả", nhà hoạt động Lee Dong-hyun của Tổ chức Người vô gia cư nhận định.
(Theo Zing)
YouTuber Anh bị bắt vì chuyên quay lén phụ nữ châu Á
Các clip quay lén, quấy rối được phát tán trên mạng kèm theo những bình luận khiếm nhã về nữ giới, thu phí 27 USD mỗi người xem.