Hội thảo Bản quyền âm nhạc VCPMC 2023 mới diễn ra do Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam phối hợp các đơn vị tổ chức tại TP.HCM.
Sự kiện nhằm trao đổi, chia sẻ thông tin trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ nói chung, quyền tác giả - quyền liên quan trong lĩnh vực âm nhạc nói riêng, đặc biệt là trên nền tảng kỹ thuật số.
Tại hội thảo, đại diện các tổ chức, cá nhân cùng thảo luận, chia sẻ nhằm làm rõ hơn các vấn đề liên quan đến tác phẩm và bản quyền tác giả âm nhạc; đặc biệt là việc bán đứt tác phẩm - ý nghĩa của việc bán đứt tác phẩm và những rủi ro tiềm ẩn từ việc bán đứt tác phẩm đến quyền lợi của nhạc sĩ, chủ sở hữu quyền tác giả.
Hoạt động bán đứt tác phẩm không chỉ diễn ra tại thị trường Việt Nam mà nó còn là một vấn đề nhức nhối hiện nay ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Giữa nhạc sĩ - ca sĩ cần có hợp đồng rõ ràng
Ông Đinh Trung Cẩn – Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) cho biết câu chuyện tác quyền giữa nhạc sĩ và bên còn lại (ca sĩ, đơn vị tổ chức…) từ lâu vẫn còn nhiều khúc mắc.
Qua hội thảo, VCPMC muốn gửi thông điệp tác giả cần ý thức bảo vệ tác phẩm của mình trong bối cảnh kỹ thuật số. Việc tác phẩm bán đứt hay không bán đứt, có thời hạn hay không thời hạn là câu chuyện sống còn với mỗi người.
Thời gian qua nổi cộm câu chuyện bản quyền âm nhạc giữa ca sĩ Noo Phước Thịnh và nhạc sĩ Đỗ Hiếu. Đây cũng không phải là trường hợp tranh chấp đầu tiên giữa 2 phía nhạc sĩ và ca sĩ trong lĩnh vực âm nhạc.
Vì sao những tranh chấp ồn ào này vẫn xảy ra và làm thế nào để hạn chế?, ông Cẩn phản hồi điều này phụ thuộc vào hợp đồng ràng buộc giữa 2 phía.
Theo đại diện VCPMC, phần lớn mối quan hệ giữa ca – nhạc sĩ là đồng nghiệp, thân tình gắn bó và trên cơ sở tin tưởng lẫn nhau. Khi sáng tác một tác phẩm, nhạc sĩ sẽ giao cho đồng nghiệp mà không quan tâm đến giấy tờ hay ràng buộc. Điều này trở thành lỗ hỏng về mặt pháp lý, gây ra phiền toái, tranh chấp trong và sau quá trình làm việc.
“Khi giao tác phẩm cho ca sĩ điều tối thiểu phải có hợp đồng, thời hạn bao nhiêu năm và nội dung cụ thể ra sao. Tất cả khi ra tòa đều yêu cầu cụ thể giấy tờ, không thể nói miệng đây là sáng tác của tôi, tôi bán 2 năm, thế anh lấy gì để chứng minh?”, ông Cẩn chia sẻ bên lề hội thảo.
Ông Cẩn nhấn mạnh các tác giả hiện nay phải ý thức trong việc quản lý tác phẩm của mình. Mỗi người phải tự bảo vệ cho chính mình, sau đó mới tới pháp luật. Bởi lẽ, tác phẩm là chất xám, thời gian và cả tình cảm, tâm huyết nên có thể xem đây là “tài sản”.
“Tôi không nói đến chuyện đúng sai nhưng tác giả phải ý thức bảo vệ tác phẩm, kể cả dù là bạn ca sĩ rất thân với mình dù vậy trong công việc cần phải có hợp đồng. Pháp luật là phải có hợp đồng chứ không thiên về tình cảm được”, ông nói thêm.
Ngoài ra, nội dung hợp đồng cũng nên có sự ràng buộc cụ thể các điều khoản, chi tiết. Trong đó, điều mục chỉ biểu diễn hay dành chia sẻ lên các nền tảng mạng xã hội và kiếm tiền trên đó cũng là điều cần phải được xem xét kỹ lưỡng.
"Bán đứt" tác phẩm tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Trong khuôn khổ hội thảo, ông Mai Thanh Huy – Chuyên viên pháp chế của VCPMC có màn thuyết trình liên quan đến vấn đề Bán đứt và chuyển giao quyền tác giả.
VCPMC cho biết trong thời gian qua đã khởi kiện hơn 40 vụ, trong đó 20 vụ đã được giải quyết xong. Phần lớn các vụ đều xuất phát từ tranh chấp bản quyền. Nhiều trường hợp tác giả chỉ thỏa thuận qua miệng, tin nhắn hay gọi điện thoại… do đó khi phát sinh mâu thuẫn sẽ khó giải quyết được vấn đề về mặt pháp lý.
Ông Huy đưa dẫn chứng một số tác giả vì không nắm rõ luật, đặt nặng tình cảm nên vĩnh viễn mất quyền tác giả đối với tác phẩm về tay người khác.
Trong đó, không hiếm trường hợp bên nhận chuyển nhượng cố tình đánh tráo khái niệm trong hợp đồng. Dù chỉ mua tác phẩm trong 5 năm, song khi soạn thảo hợp đồng họ lại viết theo hình thức hợp đồng chuyển nhượng, sau đó mang đi đăng ký quyền sở hữu.
Chính sự mập mờ này của một số cá nhân, đơn vị gây khó cho cơ quan có thẩm quyền, gây tổn hại, mất mát cho tác giả - người chủ thực sự của tác phẩm.
Ông Benjamin NG - Giám đốc Khu vực Châu Á Thái Bình Dương - CISAC (Liên Minh Quốc tế các Hiệp hội Tác giả và Nhà soạn nhạc) cho rằng ở góc độ pháp lý, sự phổ biến của các điều khoản “bán đứt”, đặc biệt là ở các quốc gia cho phép cơ chế "tác phẩm theo đơn đặt hàng" như Hoa Kỳ, đặt ra những thách thức đối với người sáng tạo. Xét khía cạnh toàn cầu, điều này ảnh hưởng nhiều hình thức khai thác khác nhau.
Ông cho rằng tác giả - người sáng tạo nên thương lượng hợp đồng cẩn thận, xem xét thời gian, phạm vi và bồi thường cho công việc của họ. Các nỗ lực hợp tác trên phạm vi toàn cầu có thể thiết lập các tiêu chuẩn bảo vệ quyền của người sáng tạo .
"Nhạc của bạn - Tương lai của bạn" đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền cho người sáng tạo về quyền lợi của họ, sức ảnh hưởng trong quá trình đàm phán và hậu quả tiềm ẩn của việc “bán đứt”", ông nói. Trong đó, Benjamin NG nhấn mạnh việc "bút sa gà chết" nếu một số tác giả vì thiếu hiểu biết và nắm rõ luật đã vội ký vào văn bản hợp đồng chuyển nhượng bán đứt.
Nhiều nhạc sĩ mong được bảo vệ quyền lợi cụ thể hơn trong thời gian tới.
Trao đổi với VietNamNet, nhạc sĩ Thế Hiển cho biết đặt kỳ vọng ở hội thảo sẽ góp phần giúp tìm ra mấu chốt của vấn đề trong tranh chấp bản quyền tác phẩm, từ đó có giải pháp đúng đắn, hợp tình hợp lý trong việc bảo hộ quyền tác giả của âm nhạc Việt Nam.
“Tất nhiên trong quá trình thực hiện, bất cứ công việc gì đều có điều trục trặc, bất cẩn. Nhưng hội thảo đi đến mục đích chính là làm sao bảo vệ được quyền tác giả và chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào VCPMC”, ông nói.