Suốt 15 năm qua, nhạc sĩ Dương Thụ thành lập chuỗi không gian Cà phê thứ Bảy, là nơi gặp gỡ của những ý tưởng sáng tạo, khơi nguồn văn hóa. Ông cũng đặc biệt quan tâm tới văn hoá đọc nên vừa làm khách mời giao lưu với độc giả trong talkshow Khuyến đọc - hành trình lan toả văn hoá đọc số 6 do Thái Hà Books tổ chức.
Đừng rảnh chút lại xem TikTok thì chán lắm!
- Ông nhận thấy văn hoá đọc của Việt Nam đang thay đổi ra sao?
Ngày xưa sách ít nhưng có nhiều sách quý, bây giờ sách nhiều nhưng chủ yếu đọc giải trí. Vì thế việc đọc hiện tại tưởng hay nhưng lại hóa ra lại không hay lắm!
Thời của chúng tôi, có một cuốn sách là đọc ngấu nghiến. Đôi khi có cuốn còn “cứu sống” mình chứ không đơn thuần chỉ giải trí. Bây giờ giới trẻ có nhiều cách để đọc sách, lên TikTok, YouTube, Podcast… nhưng cũng vì thế chúng ta lại bị cuốn vào những thứ khác trên không gian đó, không có thời gian đọc sách chọn lọc.
Cách đây 20 năm, tôi sang Nhật, thấy ở đây ai ngồi trên tàu điện cũng đều cầm cuốn sách nhỏ để đọc. Khi điện thoại thông minh phát triển, họ cũng ngồi im lặng đọc. Hình ảnh đó thật tuyệt vời khiến tôi ước ao đất nước mình cũng được như thế, chứ đừng rảnh chút lại xem TikTok thì chán lắm!
Vì thế tôi rất thích ý tưởng của anh Mạnh Hùng (CEO Thái Hà Books - PV) hàng tháng có talkshow chia sẻ về văn hoá đọc. Tôi rất muốn Thái Hà Books cộng tác với Cà phê thứ Bảy cùng lan toả điều đó. Tôi không bao giờ nghĩ đến việc sẽ thay đổi được bao nhiêu mà luôn làm theo triết lý "con chim ruồi".
Tức là khi rừng cháy, con chim ruồi sẽ tha nước đi và nhỏ giọt xuống khu rừng. Khi con thú khác hỏi: “Làm sao mà hết cháy được?”. Nó trả lời: “Tôi đang làm đúng việc của mình”.
Từ bé tôi đã mê đọc sách, biết được nó tốt và bổ ích như thế nào nên cố gắng lan toả điều đó. Tôi không biết việc này có làm cuộc sống tốt lên không, người đọc có tăng lên không nhưng như con chim ruồi, tôi làm đúng công việc của mình.
Tôi không phải là người bi quan nhưng cũng không lạc quan quá. Mỗi chúng ta cần là con chim ruồi, làm những việc mà người ta bảo là vô ích.
Sách đã "cứu" tôi
- Ở tuổi 82, ông chọn đọc sách gì để luôn sống tươi trẻ như vậy?
Tôi trẻ không phải do đọc sách mà là do làm việc nhiều. Khi làm việc nhiều sẽ tạo ra năng lượng, có năng lượng mới trẻ được.
Sách có rất nhiều nhưng đầu tiên phải biết mục đích tìm đọc của mình là gì. Theo tôi, có 4 xu hướng khi tìm tới một cuốn sách.
Thứ nhất, đọc để giải trí sách dành cho nhu cầu này hiện nay rất nhiều.
Thứ hai, đọc để tìm hiểu, để biết thế giới đang làm gì, biết mình đang ở đâu. Cái "biết" này rất quan trọng trong việc đọc.
Thứ ba, đọc để hiểu, có hiểu mới nhận thức và sáng tạo được. Vì thế, đọc để hiểu cũng vô cùng quan trọng.
Thứ tư là đọc để sống. Tôi rất chú trọng cách đọc này bởi nó tạo ra cảm xúc. Thực ra cuộc sống của tôi rất khắc nghiệt, sách đã "cứu" tôi. Nếu các bạn chọn cách đọc để sống sẽ rất hay, còn những người đọc vô hồn sẽ chán lắm, chóng già lắm!
Chúng ta sống để làm người, tất nhiên sẽ trải qua đủ hỷ-nộ-ái-ố. Nếu chọn để sống, các bạn nên đọc văn chương, nhất là dòng cổ điển cực hay. Đọc sách khiến chúng ta có cái nhìn rộng hơn, không gian sống kéo ra vô tận. Tiểu thuyết hay thơ cũng làm cho mình thổn thức, có mỹ cảm và được sống.
Học để thành người có văn hoá trước, đừng nhồi nhét kiến thức
- Nói như vậy theo ông đọc sách sẽ tạo ra mỹ cảm?
Cuộc sống quan trọng nhất hướng đến chân-thiện-mỹ, đích đến của cuộc đời cuối cùng là cái đẹp. Tôi sang Nhật mới hiểu thế nào là mỹ cảm.
Khi đói chúng ta mong được ăn no là đã hạnh phúc. Khi no rồi chúng ta muốn ăn ngon hơn, kén cá chọn canh. Còn người Nhật, khi đã ăn no, ăn ngon, họ tiến tới ăn đẹp. Tức là trình bày món ăn, bàn ghế, bát đĩa, không gian... như thế nào cho lịch sự.
Từ ví dụ đó để thấy rằng, mọi thứ đều phải có tiến trình. Trước kia, cuộc sống của chúng ta quá nghèo nên không nghĩ đến những chuyện khác. Nhưng dần dần chúng ta sẽ tiến đến cái đẹp, cả trong cách cư xử giữa con người với nhau. Muốn vậy không có cách nào khác là chúng ta phải học và đọc sách. Nhiều bài học giáo dục trong sách vô cùng thiết thực và gần gũi, giúp ta thay đổi, sống tốt và đẹp hơn.
Chúng ta nên giáo dục trẻ em từ mẫu giáo, học để thành người có văn hoá trước, đừng nhồi nhét kiến thức. Muốn có văn hoá nền tảng tiếng Việt vô cùng quan trọng, sau nữa là phải có mắt nhìn mỹ thuật, cuối cùng là cảm thụ âm nhạc. Phải biết yêu và cảm nhận được cái đẹp xung quanh mới sống tốt được.