TIN BÀI KHÁC
Đây biển Việt Nam: Ngày hội Diên Hồng của lòng yêu nước
Cảm xúc mạnh với ca khúc về biển đảo
Gặp gỡ tác giả sáng tác 7 bài hát trong 8 đêm
Bi tráng "Khúc tráng ca biển"
Truyền hình trực tiếp lễ trao giải Đây biển Việt Nam
Cảm xúc mạnh với ca khúc về biển đảo
Gặp gỡ tác giả sáng tác 7 bài hát trong 8 đêm
Bi tráng "Khúc tráng ca biển"
Truyền hình trực tiếp lễ trao giải Đây biển Việt Nam
Nhạc sĩ Hồng Đăng |
Phải đủ cơ duyên mới sáng tạo được
Phóng viên VietNamNet đã tìm gặp người nhạc sĩ “Biển hát chiều nay” vào những giờ cuối cùng trước lúc mở màn chương trình công diễn và trao giải cho các tác phẩm dự thi “Đây biển Việt Nam”. Để cảm nhận về những nỗi niềm lênh đênh, bão dông, sóng cả “qua bao nhiêu thăng trầm mà chiều nay vẫn dịu dàng…”
Phóng viên: - Biển và tình yêu là đề tài của bất cứ nhạc sĩ nào. Nhưng đã khá lâu rồi, sau khi thế hệ nhạc sĩ đi trước đã định danh với những sáng tác về biển, thì làng nhạc Việt dường như vắng bóng những ca khúc về biển có chất lượng, điều đó có đúng không, thưa nhạc sĩ?
Nhạc sĩ Hồng Đăng: - Một ngàn hội viên hội Nhạc sĩ Việt Nam thì ai cũng có một vài bài về biển. Nhưng, đúng là không phải bài nào cũng ở lại trong lòng công chúng.
Điều này phụ thuộc vào cơ duyên của sự sáng tạo. Cần phải quay trở lại gốc gác của vấn đề. Nếu là nghệ thuật thực sự thì mỗi tác phẩm có số phận của nó, đời sống của nó, sự thăng trầm của nó. Và, tác phẩm nào đủ tâm, đủ tầm thì sẽ nhẹ nhàng lan tỏa vào đời sống, với tất cả sự yêu thương bao trùm.
Nhiều khi chẳng cần phải tổ chức cuộc thi, chẳng cần vận động, người ta vẫn cứ tự nhiên sáng tác về biển. Nhưng, thời bây giờ, đúng là cuộc sống thực tế với hàng tỉ vấn đề và vấn nạn phải giải quyết dễ khiến cho người ta mất đi những xúc cảm sáng tạo.
Nhạc sĩ ngày xưa, chỉ cần bạn bè nhắn tin cho nhau là xách ba lô ra đi. Trên những con đường của sự cảm nhận, khám phá và chiêm nghiệm, các sáng tác mới ra đời. Chứ bây giờ, nhạc sĩ ngày phải lo ký hợp đồng, tối tìm nơi nhậu, ca sĩ tìm điểm chạy sô, thì cũng khó có thể thật sự lắng lại và hướng về những điều cao hơn cuộc sống.
Vứt đi 100 bài có thể chỉ ở lại 1 bài
- Một đất nước có hàng ngàn kilomet bờ biển như nước ta, thì biển không chỉ là tài nguyên thiên nhiên mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, du lịch, văn hóa… mà biển còn luôn gắn bó với những cuộc đấu tranh sinh tồn. Để giữ vững chủ quyền của Tổ quốc, trong nước biển mặn kia còn hòa lẫn máu xương của bao nhiêu người con anh dũng của dân tộc đã sẵn sàng hy sinh nơi đầu sóng. Cảm xúc ấy không lẽ chưa đủ lớn để các nhạc sĩ lao mình vào cơn sáng tạo, thưa nhạc sĩ?
- Đúng là hình ảnh biển miền Trung quê tôi với sự mặn mòi, vất vả, gió sương, với biết bao mất mát, hy sinh trên những cung đường chiến trận đã ăn vào trong máu như một nỗi nhớ không thể nào quên được.
Nhưng, ngay cả những cảm xúc sáng tạo lớn nhất, với những người nghệ sĩ thật sự, không phải lúc nào cũng đến và cũng đủ chín. Sự sáng tạo rất bất ngờ. Viết 100 bài vứt đi có khi chỉ 1 bài ở lại thôi. Và nhiều khi, định đi chuyến này để viết hợp xướng, mà có thể chỉ ra được một ca khúc, thậm chí, có thể chẳng có gì.
Cá nhân tôi từ khi còn trẻ cho đến mãi tận gần đây vẫn cứ “lênh đênh”, đi đến đâu viết đến đó. Nhưng thói quen ấy không phải người sáng tạo nào cũng có đâu, phải luyện mãi mới được đấy.
Cao hơn chuyện cá nhân, thì phải là bản lĩnh của nghệ thuật đích thực, nghĩa là phải chấp nhận được hy sinh, gian khổ, đớn đau, thậm chí là thoát tục, thì mới ra được tác phẩm. Không phải anh cứ thấy đời khổ sở thì là anh kêu toáng lên, công chúng sẽ nghe đâu. Có thể nghe nhưng nghe xong rồi lại bỏ đấy. Tác phẩm sống được với thời gian bắt buộc phải đủ sâu, và đủ tinh tế.
Nhạc sĩ Hồng Đăng và nhạc sĩ Văn Cao năm 1984 |
Cần nhất là giá trị độc lập
- Những tác phẩm có tầm chính là sự băn khoăn của những người tổ chức cuộc thi “Đây biển Việt Nam”, thưa nhạc sĩ. Sáu tháng diễn ra, cuộc thi đã thu hút được hàng ngàn tác giả quan tâm chú ý. Hạng mục Nhạc có hơn 400 bài dự thi. Nhiều tác phẩm được đầu tư công phu, kỹ lưỡng, gây xúc động trong công chúng. Nhưng, công bằng nhìn nhận lại, thì thật khó có thể tìm ra những tâm thế thật sự nuốt cái đau đời vào tận đáy sâu lòng mình, để rồi như con tằm rút ruột nhả tơ, cống hiến cho đời những nốt nhạc vần thơ nhẹ nhõm như “Dữ dội mà dịu êm, cồn cào mà lặng lẽ…” (Thơ Xuân Quỳnh) hay “Ơi biển Việt Nam, ơi sóng Việt Nam, qua bao nhiêu thăng trầm mà chiều nay vẫn dịu dàng. Vùi sâu dưới đáy những gì đau thương. Biển lại hát tình ca biển kể chuyện yêu thương…”(trích ca khúc “Biển hát chiều nay” của nhạc sĩ Hồng Đăng)
- Tôi bị tai nạn gẫy chân, nằm ở nhà khá lâu rồi, nhưng cũng nghe giới nhạc sĩ xôn xao nói nhiều về cuộc thi “Đây biển Việt Nam”. Tôi nghĩ, đấy là thành công lớn rồi. Không phải khi nào một cuộc thi cũng thu hút được sự quan tâm của người sáng tác đâu. Một sân chơi vừa chuyên nghiệp vừa phổ cập trong công chúng như thế này không dễ tạo dựng. Giới nghệ thuật cần nhiều sân chơi như thế này hơn nữa.
BTC nào cũng mong muốn tìm được ra nhiều bài “đỉnh cao”, có sức lan tỏa mạnh mẽ. Nhưng, cũng cần hiểu rằng không phải lúc nào cũng cứ tráng ca mới là hay. Cần nhất là tác phẩm phải có giá trị độc lập. Tức là, khi tác phẩm vang lên, thì người ta có thể không cần nhớ tác giả là ai nhưng sẽ sống cùng tác phẩm đó.
Để thẩm định được tác phẩm có thật sự ở lại trong lòng công chúng hay không, cũng cần thời gian. Như số phận của chính ca khúc “Biển hát chiều nay” của tôi, sau khi sáng tác, cũng phải mãi đến 10 năm sau mới thật sự khẳng định được là nó đi vào lòng người nghe nhạc.
Sáng tạo là món quà lớn lao của thượng đế giành cho một số rất ít người chứ không phải ai cũng viết nhạc, ai cũng làm thơ được đâu. Tác giả nào thực sự hiểu điều đó và phải đủ trải nghiệm để không “chết đuối” trước biển sâu bao la, khoáng đạt đến vô cùng thì mới đón được tia chớp của sáng tạo.
Những bước sóng thăng trầm của lịch sử sẽ còn mãi, và cũng không thể chối bỏ những cồn cào đớn đau, mâu thuẫn, xô đẩy của thời cuộc. Nhưng rồi, những con sóng mới sinh ra sẽ trùm lấp lên tất cả, tươi tắn và nhẹ nhàng vỗ bờ. Biển Việt Nam chính là hình ảnh con người Việt Nam, quật cường, bất khuất nhưng cũng vô cùng lãng mạn, tinh tế. Hy vọng, từ cuộc thi “Đây biển Việt Nam” và nhiều sân chơi như thế nữa sau này, sẽ có thêm những quả ngọt sáng tạo cho đời.
- Xin cám ơn nhạc sĩ!
Hòa Bình (thực hiện)