Tang lễ ông sẽ diễn ra sáng 28/7 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (Gò Vấp, TP.HCM). Lễ động quan dự kiến vào ngày 30/7, sau đó gia đình đưa linh cữu cố nhạc sĩ an táng tại Nghĩa trang TP.HCM.
NSƯT Mỹ Uyên chia sẻ: "Nhạc sĩ Tôn Thất Lập là người tài ba, hiền lành. Với tôi, tác phẩm Hát cho dân tôi nghe quá hay, đủ sức lay động hàng triệu con tim Việt Nam. Tôi buồn dù biết ai rồi sẽ qua đời vì tuổi già nhưng tin giá trị người nghệ sĩ để lại qua các tác phẩm tử tế sẽ còn mãi".
Nhạc sĩ Tôn Thất Lập sinh năm 1942 ở Đà Nẵng, còn có nghệ danh/bút danh Trần Nhật Nam, Lê Nguyên và Nguyễn Xuân Tân.
Những năm cuối thập niên 1960 - thời kỳ nổi lên phong trào phản chiến của học sinh, sinh viên, ông viết những ca khúc ảnh hưởng đến thế hệ thanh niên trong nước như: Dậy mà đi, Xuống đường, Hát cho dân tôi nghe, Hát cho quê hương, Lúa reo trên khắp cánh đồng...
Nhạc sĩ Tôn Thất Lập từng ra học Nhạc viện Hà Nội rồi trở lại Sài Gòn làm công tác văn hóa của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Năm 1973, ông du học Pháp du học, 1 năm sau tham gia Đại hội sinh viên Việt Nam hải ngoại tại Paris.
Tôn Thất Lập tốt nghiệp thạc sĩ tại trường Đại học Văn hóa Hà Nội, là nguyên Phó Chủ tịch Hội âm nhạc TP.HCM, Hội nhạc sĩ Việt Nam và từng công tác tại Sở Văn hóa và Thông tin TP.HCM.
'Oẳn tù tì' - sáng tác dễ thương quen thuộc với khán giả 8X, 9X
Thời bình, nhạc sĩ tiếp tục viết tình ca, thủ pháp sáng tác thay đổi mạnh mẽ vào giai đoạn đầu thập niên 2000. Nhiều ca khúc sau này của ông được yêu mến như Tình ca mùa xuân, Tình ca tuổi trẻ, Trị An âm vang mùa xuân, Mưa thì thầm, Cô bé dễ thương, Tình yêu mãi mãi... nổi tiếng nhất là bài Oẳn tù tì.
Năm 2022, Tôn Thất Lập có chương trình Hát cho dân tôi nghe nhìn lại sự nghiệp sáng tác hơn nửa thế kỷ tại Nhà hát Truyền hình TP.HCM.