LTS: Vụ tai nạn ô tô KIA Forte đâm liên hoàn 17 xe máy tại nút giao Võ Chí Công- Xuân La (Hà Nội) chiều ngày 5/4 với lời khai từ tài xế "do nhầm chân ga" đã làm dấy lên trong cộng đồng các câu chuyện kinh nghiệm và bài học kỹ năng lái xe. Lỗi nhầm chân ga xảy ra không hiếm. Vậy, cách nào để tránh sai sót này? Ban Ô tô xe máy mở Diễn đàn "Lỗi nhầm chân ga, bài học kinh nghiệm và giải pháp phòng tránh". Mời bạn đọc gửi bài viết về trải nghiệm của mình đến email: otoxemay@vietnamnet.vn. Xin cảm ơn!
Dưới đây là ý kiến của độc giả Nguyễn Thành Lập (Hà Nội)
Pédale tiếng Pháp là bàn đạp, mà phương tiện giao thông xe đạp ban đầu nhập khẩu từ nước Pháp và thịnh hành một thời ở Việt Nam, phải có nó (pédale).
Còn bây giờ, phương tiện giao thông đang ô tô hoá ở nước ta. Và trong ô tô cũng có 3 pédale (côn, phanh, ga)-đối với xe số sàn; hoặc đơn giản hơn là chỉ có 2 pédale (phanh, ga)-đối với xe số tự động.
Nếu người lái xe ô tô (hay còn gọi là người tài xế-với xe chở khách) đạp nhầm pédale phanh sang pédale ga sẽ rất nguy hiểm (nhất là đối với xe số tự động), và thường là gây ra tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Vậy vì sao khi lái xe, có người lại đạp nhầm pédale? Tôi cho rằng do 2 nguyên nhân:
Thứ nhất, người lái xe từ lúc đi học, thi-sát hạch, được cấp giấy phép lái xe (GPLX); đến khi lái xe lưu hành, có người vẫn chưa thành “phản xạ có điều kiện” trong những tình huống ngay lập tức phải đạp vào đúng pédale phanh.
Thứ hai, người lái xe còn chưa biết quan sát bao quát, phán đoán các tình huống sẽ có thể xảy ra trên đường, để chủ động thao tác xử lý. Thí dụ lái xe vào ngã tư nhỏ, không có đèn tín hiệu, về nguyên tắc người lái xe phải nhường đường phía bên phải. Song vẫn không loại trừ họ chẳng nhường, cho nên khi lái xe (vào ngã tư) thấy ngả đường bên trái đang có xe chạy tới, vẫn cần giảm tốc độ, đề phòng tình huống người lái xe ấy cứ lao tới thì mình sẽ chủ động đạp pédale phanh.
Để khắc phục 2 nguyên nhân nêu trên, ngay từ lúc học lái xe ô tô, các thầy giáo cũng cần chỉ rõ cho các học viên 3 pédale (côn, phanh, ga)-đối với xe số sàn và 2 pédale (phanh, ga)-đối với xe số tự động.
Không nên dùng các từ: “chân ga, chân phanh”. Bởi vì quy trình thao tác lái xe quy định chân trái người lái xe “đảm nhiệm” 1 pédale côn (xe số sàn). Còn chân phải “đảm nhiệm” 2 pédale: phanh và ga (bất kể số sàn, hay số tự động). Đồng nghĩa với chỉ có 1 chân phải “đảm nhiệm” 2 pédale. Thế nên dùng các từ: “chân phanh, chân ga” như lâu nay là không chính xác.
Đặc biệt, khi dạy lái xe đi trên đường trường, các thầy giáo nên tăng thêm các tình huống dừng xe đột xuất, để tập dần cho các học viên thành “phản xạ có điều kiện”.
Cụ thể xe đang chạy mà phải dừng lại khẩn cấp, lập tức chân phải của học viên đạp vào đúng pédale phanh. Rồi đến khi thi-sát hạch, được cấp GPLX lưu hành thực tế trên đường. “Trăm hay không bằng chân quen”, những người lái xe sẽ thành “phản xạ có điều kiện”-khi cần dừng xe (chân phải đạp đúng pédale phanh).
Kinh nghiệm đối với những người thực tế lái xe ô tô từ 1 vạn km an toàn trở lên, họ sẽ thành “phản xạ có điều kiện” rất tốt-khi phải dừng xe đột ngột. Họ rất nhớ vị trí pédale phanh và vị trí pédale ga, mà không hề phải nhìn xuống. Hiếm khi có chuyện đạp nhầm pédale phanh sang pédale ga. Chứ không câu nệ là người lái xe trẻ tuổi, hay người lái xe cao tuổi; hoặc người thâm niên 16 năm, hay người mới 6 năm được cấp GPLX dễ đạp nhầm pédale...
Riêng tôi hiện nay, coi việc lái xe ô tô như 1 môn thể thao và thật thoải mái mỗi khi có việc phải tự lái xe ra đường thành phố đông vui, hay đường cao tốc (nơi cho phép vận tốc 120 km/h). Kể cả những lúc bị tắc đường chẳng đi được, tôi thường chụp ảnh, hay nghe ca nhạc cho vui. Khi ngồi điều khiển xe tôi vẫn nhìn bao quát, phán đoán các tình huống có thể xảy ra trên đường, chủ động “nhả” pédale ga… và sẵn sàng đạp pédale phanh, để bảo đảm an toàn giao thông.
Độc giả Nguyễn Thành Lập (Hà Nội)
Bạn có bình luận thế nào về góc nhìn trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!