Thông tin từ Sở GD-ĐT TP.HCM, năm vừa qua đơn vị này đã tham mưu cho UBND TP.HCM về đề án cho phép thành lập Trường ĐH Du lịch Sài Gòn.
Sở GD-ĐT TP.HCM cũng tham mưu cho UBND thành phố về việc phê duyệt chủ trường thành lập Trường ĐH Lý Tự Trọng trên cơ sở nâng cấp Trường CĐ Lý Tự Trọng.
Ngoài ra, Sở GD-ĐT TP.HCM cũng tham mưu về việc thành lập phân hiệu Trường ĐH Sài Gòn ở Tây Ninh trên cơ sở sáp nhập Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Ninh.
Hiện ở TP.HCM đang có nhiều dự án thành lập trường đại học. Một số dự án đã được đồng ý về chủ trương.
Cụ thể như 2018, đã có chủ trương cho phép thành lập Trường ĐH Đại Việt Sài Gòn là trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận. Lúc đó chủ đầu tư đơn vị này đã đưa ra phương án xây dựng phát triển trường trong 2 giai đoạn. Trong đó giai đoạn 1 (2018 - 2019) là đầu tư xây dựng trường tại nội thành và tại khu chức năng giáo dục thuộc Khu đô thị Tây Bắc với cơ sở vật chất cao cấp hiện đại, đảm bảo cho quản lý và tổ chức đào tạo chất lượng cao. Giai đoạn 2 (2020 - 2022) sẽ tiếp tục hoàn thiện bổ sung các công trình hỗ trợ nghiên cứu và chuyển giao công nghệ theo đề án phát triển của nhà trường.
Dự kiến trường tổ chức tuyển sinh và khai giảng khoá đại học đầu tiên vào tháng 9 năm 2019. Các khối ngành dự kiến đào tạo theo lộ trình gồm Kỹ thuật công nghệ, Kinh tế, Ngoại ngữ và Chăm sóc sức khỏe. Chỉ tiêu dự kiến 1000 sinh viên. Tuy nhiên, đến nay trường đại học này vẫn chưa đi vào hoạt động.
Ngoài ra chủ trương thành lập Trường ĐH Du lịch Sài Gòn trên cơ sở nâng cấp Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn từ năm 2017, nhưng đến nay trường này vẫn chưa đi vào hoạt động. Theo ông Vũ Khắc Chương, chủ đầu tư dự án Trường ĐH Du lịch Sài Gòn, cho hay việc một số trường cao đẳng có chủ trương thành lập trường đại học ở TP.HCM nhưng vẫn chưa được, thường là do quỹ đất của trường chưa đủ theo yêu cầu là từ 5 ha trở lên. Khi có dự án thường đã có chủ trương giao đất của UBND TP.HCM nhưng khi đi thực hiện thì bị vướng mắc.