Ngày 31/3, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức tọa đàm Trao đổi nhận diện “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội và “tư nhân hóa” báo chí.
Một số dấu hiệu “tư nhân hóa” báo chí được đại diện Cục Báo chí (Bộ TT&TT) chỉ ra như: Việc “phân lô, bán nền” các chuyên trang, chuyên mục cho nhà báo, phóng viên, văn phòng đại diện, đối tác liên kết.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT&TT) |
Xuất hiện hiện tượng khoán doanh thu, quảng cáo cho nhà báo, phóng viên, văn phòng đại diện. Nhiều trường hợp phóng viên lợi dụng hoạt động tác nghiệp để sách nhiễu cơ quan, doanh nghiệp.
Khoán toàn bộ cho đối tác liên kết: Giao chuyên trang, chuyên mục cho văn phòng đại diện, nhóm phóng viên hoặc đối tác chịu trách nhiệm toàn bộ hoạt động.
Máy chủ của trang và máy chủ của chuyên trang đặt ở những nơi khác nhau, không đúng quy định trong giấy phép. Đây là kẽ hở trong quản lý nội dung, đối tác toàn quyền quyết định nội dung chuyên trang.
Tham gia ý kiến tại tọa đàm, ông Lưu Đình Phúc (Cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình & Thông tin điện tử, Bộ TT&TT) cho rằng: Dấu hiệu “tư nhân hoá” báo chí thể hiện ở việc cơ quan báo chí buông lỏng để tư nhân sản xuất nội dung, được quyền đăng bài viết;
Phó mặc cho đối tác liên kết; Mở kênh trên các nền tảng hoạt động như báo chí;
KOL cập nhật, viết bài trên mạng xã hội, thành lập kênh như cơ quan báo chí, nội dung có định kiến, kích động phát ngôn thù địch.
Nói về dấu hiệu "tư nhân hóa" báo chí, theo ông Phúc, hiện tượng này hay xảy ra ở truyền hình. Có đơn vị thành lập văn phòng đại diện, thành vương quốc riêng, muốn đăng gì thì đăng.
Đối tác liên kết với truyền hình, sau khi liên kết xong, họ lấy thương hiệu và mở kênh riêng. Có những kênh mà người xem đông hơn cả truyền hình và có quảng cáo - đó là báo chí tư nhân, cần có giải pháp chấn chỉnh.
Cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình & Thông tin điện tử cũng đồng tình với ý kiến của PGS.TS Đinh Thị Thu Hằng (Phó trưởng khoa Phát thanh & Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng, đã xuất hiện quảng cáo giả thương hiệu của các cơ quan báo đài.
Có vô vàn cách “lách luật”
Về vấn đề “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội và “tư nhân hóa” báo chí, ông Lê Quang Tự Do - Cục phó Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin Điện tử (Bộ TT&TT) đưa ý kiến: Nhà nước có chính sách, nhân gian có đối sách, như một cuộc rượt đuổi.
Ông Lê Quang Tự Do - Cục phó Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin Điện tử |
Nói về biểu hiện “báo hóa” mạng xã hội, ông Do đề cập đến tình trạng mạng xã hội, trang tin tổng hợp thiết kế giao diện, chuyên mục, sản xuất, tổng hợp tin bài, hoạt động như trang báo điện tử, trang tin điện tử.
Nhận diện những biểu hiện “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, ông Do cho rằng, các đơn vị này để tên miền sử dụng từ ngữ gây nhầm lẫn là cơ quan báo chí như: Báo, Tạp chí, Tin, Tin tức, News, Times, Online, Daily…Và có vô vàn cách “lách luật” khác.
Tại tọa đàm, ông Nguyễn Thành Lợi (Tổng biên tập Tạp chí Người làm báo), đại diện cho Hội Nhà báo Việt Nam nêu quan điểm, để giải quyết vấn đề “tư nhân hóa” báo chí, cần sử dụng đến tổ chức Đảng.
Nhiều cơ quan báo chí không có tổ chức Đảng, cần yêu cầu cho tạm dừng, đình chỉ, khi nào đủ bộ máy thì hoạt động tiếp.
Ông Nguyễn Thành Lợi (Tổng biên tập Tạp chí Người làm báo) |
Ông Lợi cũng chỉ ra việc “tư nhân hóa” báo chí có nguyên nhân đầu tiên là vấn đề kinh tế và đây là vấn đề đau đầu. Cơ quan chủ quản cần hỗ trợ cho các tạp chí phát triển.
Ông Lê Hải, đến từ Tạp chí Cộng sản bày tỏ sự trăn trở đối với việc “báo hóa” tạp chí, “tư nhân hóa” báo chí và coi đó thực sự là vấn nạn, ít nhiều gây ra sự hỗn loạn trong đời sống báo chí, có hiện tượng trắng đen lẫn lộn, giảm uy tín báo chí, uy tín nhà báo trong xã hội.
Ông Hải chỉ ra nguyên nhân của “báo hóa” tạp chí là do nhận thức chưa tới của lãnh đạo cơ quan báo chí và phóng viên, biên tập viên. Họ chưa định hình được thế nào là tạp chí điện tử.
Nhiều tạp chí cố tình đăng bài đánh đấm trục lợi, thiếu liêm chính trong hoạt động báo chí. Khi phát hiện sai phạm nào đấy, họ gây sức ép, có trục lợi.
“Nếu làm tạp chí chân chính, thì không thể xào xáo, đăng tin tiêu cực.... Vấn đề này cần được quan tâm hơn, tránh ảnh hưởng đến uy tín ngành báo chí nói chung”, ông Hải phát biểu.
Vẫn theo ông Hải, đội ngũ làm tạp chí đúng nghĩa, cơ chế tài chính đối với các tạp chí này rất khó khăn. Một nhà khoa học chân chính không thể là nhà kinh tế được.
Ngoài ra, cơ chế hoạt động của các tạp chí cũng là vấn đề. Nếu hoạt động thuần túy, tạp chí hoạt động rất khó khăn...Theo ý kiến của ông Hải, trước hết cần sửa Luật Báo chí, cần có những quy định rất cụ thể...
Năm 2022, Bộ TT&TT bước đầu xác định hơn 30 tạp chí có dấu hiệu “báo hóa” và một số cơ quan báo chí có biểu hiện “tư nhân hóa”, chủ yếu của các Hội xã hội, xã hội nghề nghiệp và một số “Viện nghiên cứu”. |
Khó khăn trong việc xử lý vi phạm 'báo hóa' tạp chí
“Báo hóa” tạp chí gây nhức nhối xã hội khi nhà báo, phóng viên tác nghiệp ngoài phạm vi, lĩnh vực tôn chỉ mục đích ghi trong giấy phép.
T.Nhung