Trước đó ngày 02/6, bằng văn bản, 3/5 thành viên Hội đồng quản trị của Eximbank (mã chứng khoán EIB: HOSE) đã đề nghị Chủ tịch HĐQT triệu tập họp HĐQT để bàn và biểu quyết thông qua một số vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐQT nhằm giải quyết các vấn đề cấp thiết vì lợi ích chung của Ngân hàng và toàn thể các cổ đông.
Tuy nhiên, bà Lương Thị Cẩm Tú - Chủ tịch HĐQT đương nhiệm đã gửi văn bản khẳng định không triệu tập cuộc họp theo đề nghị của 3/5 thành viên. Căn cứ Luật Doanh nghiệp 2020, Luật Các Tổ chức tín dụng 2010 (sửa đổi 2017) và Điều lệ Eximbank, 3/5 thành viên đã thực hiện quyền triệu tập họp HĐQT thay thế cho Chủ tịch HĐQT.
Mặc dù vậy, cuộc họp này đã không thể diễn ra do 2/5 thành viên không tham dự, trong đó bà Tú vắng mặt không có lý do và một thành viên HĐQT vắng mặt do nghỉ phép. Vì thế, theo Luật Doanh nghiệp 2020 và Điều lệ Eximbank, 3/5 thành viên đã triệu tập cuộc họp lần thứ hai vào ngày 28/6.
Một trong các nội dung quan trọng, cấp thiết sẽ được xem xét trong cuộc họp HĐQT này chính là bàn về việc miễn nhiệm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Eximbank đương nhiệm là bà Lương Thị Cẩm Tú.
Theo một nguồn tin tin cậy, trước đó các thành viên Hội đồng quản trị của Eximbank và bà Lương Thị Cẩm Tú đã có một số buổi trao đổi riêng để chia sẻ, thậm chí là khuyến cáo về cách thức quản lý của bà Tú trong cương vị là Chủ tịch HĐQT Eximbank và đề xuất những biện pháp để bà Tú cải thiện tốt hơn trong công tác quản trị, điều hành Ngân hàng. Tuy nhiên, cũng theo nguồn tin này cho biết, sau các buổi làm việc này, công tác quản trị, điều hành của bà Tú trong cương vị là Chủ tịch HĐQT vẫn không được cải thiện.
Một lãnh đạo Eximbank cho biết, ông Trần Tấn Lộc – Tổng giám đốc Eximbank người đại diện pháp luật của Ngân hàng đã có nguyện vọng xin từ nhiệm vị trí Tổng giám đốc. Việc này cũng cấp thiết buộc HĐQT phải sớm họp bàn để xem xét, ra quyết định chính thức nhằm ổn định hoạt động kinh doanh. Nội dung này cũng được đề cập trong Chương trình họp ngày 28/6.
Vị lãnh đạo Eximbank này cũng cho biết, ông Lộc là người có kinh nghiệm và thâm niên lâu năm tại Eximbank do đó mong muốn ông Lộc tiếp tục ở lại đóng góp cho Ngân hàng và đồng hành với HĐQT trong việc cải thiện tốt hơn công tác quản lý, quản trị và điều hành Ngân hàng. Mong muốn này cũng sẽ được các thành viên của HĐQT bàn bạc, trao đổi cụ thể tại cuộc họp ngày 28/6 tới đây.
Bà Lương Thị Cẩm Tú tham gia hai nhiệm kỳ HĐQT Eximbank lần VI (2015-2020) và lần VII (2020-2025). Ngày 14/02/2022, bà Tú được HĐQT nhiệm kỳ VII bầu làm Chủ tịch HĐQT đến nay. Nhìn lại quãng thời gian này, Eximbank đã có 09 lần không tổ chức thành công ĐHĐCĐ với lý do không đủ điều kiện tiến hành họp ĐHĐCĐ hoặc nếu có đủ điều kiện tiến hành họp ĐHĐCĐ thì chương trình hoặc quy chế ĐHĐCĐ không được thông qua.
Hiện nay, sự thay đổi vị trí lãnh đạo chủ chốt trong HĐQT hay Ban Điều hành tại các ngân hàng TMCP là khá phổ biến để đáp ứng được yêu cầu phát triển ổn định, bền vững trong bối cảnh toàn hệ thống ngân hàng đang thực hiện quá trình tái cấu trúc, cùng với những áp lực về nợ xấu và sức ép hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh hằng năm. Các nhân sự này đều phải được lựa chọn, tính toán kỹ lưỡng để phù hợp với chiến lược lâu dài, mục tiêu cụ thể và định hướng phát triển của từng ngân hàng trong từng giai đoạn. Eximbank cũng không nằm ngoài bối cảnh đó.
Một lãnh đạo Eximbank cho biết, HĐQT của nhà băng này vẫn tiếp tục tiến hành các hoạt động cải cách công khai minh bạch, đúng trình tự, thủ tục, quy định của pháp luật và Điều lệ Ngân hàng nhằm hướng tới mục tiêu lựa chọn những nhân sự cấp cao đủ tiêu chuẩn, điều kiện, quan trọng hơn là có đủ đức, tâm và tài, phù hợp với định hướng phát triển chung của Việt Nam cũng như thế giới, đảm bảo đúng người, đúng vị trí và đúng thời điểm.
(Theo Đầu Tư Chứng Khoán)