Lành mạnh hóa không gian mạng Việt Nam
Chiều 15/1, Cục Phát thanh, Truyền hình & Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Báo cáo kết quả công tác năm 2023, Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT Lê Quang Tự Do cho biết, trong năm qua, Cục đã xử lý trung bình gần 1.000 văn bản/tháng, tham mưu lãnh đạo Bộ xử lý 4.995 văn bản, cấp phép 1.449 hồ sơ trong cả lĩnh vực phát thanh truyền hình và thông tin điện tử.
Một trong những kết quả nổi bật trong hoạt động của Cục thời gian qua là việc kiên quyết, kiên trì đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới. Theo đó, đơn vị đã duy trì tỷ lệ ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin xấu độc ở mức cao.
Điểm nổi bật là trong năm vừa qua, ngoài link bài đăng vi phạm, Cục PTTH&TTĐT còn yêu cầu chặn gỡ cả các tài khoản, trang fanpage, hội nhóm.
Trong năm 2023, Cục PTTH&TTĐT đã tổ chức kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam. Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam diễn ra cuộc kiểm tra đối với một nền tảng xuyên biên giới.
Cục cũng đã đấu tranh yêu cầu các OTT cung cấp dịch vụ nội dung theo yêu cầu phải tuân thủ quy định Nghị định 71/2022 và Luật Điện ảnh sửa đổi. Các OTT xuyên biên giới đã nộp hồ sơ đăng ký với Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch về việc cung cấp dịch vụ phim trực tuyến.
Trong năm qua, Cục PTTH&TTĐT đã triển khai thành công sáng kiến WhiteList - BlackList để nắn chỉnh dòng tiền quảng cáo từ xuyên biên giới vào trong nước.
Năm 2023 cũng là năm đầu tiên Bộ TT&TT triển khai chiến dịch truyền thông gắn với các KOL, những người có sức ảnh hưởng trên mạng.
Song song với các hoạt động quản lý thông tin trên Internet, Cục PTTH&TTĐT đã đóng vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển của ngành game Việt Nam với nhiều sự kiện lớn được triển khai.
Lan tỏa năng lượng tích cực, coi Internet là mặt trận chính
Theo Cục trưởng Lê Quang Tự Do, phương châm hành động trong năm 2024 của Cục PTTH&TTĐT là lan tỏa năng lượng tích cực, coi Internet là “mặt trận” chính, đa phương tiện là trọng tâm và tích cực thích ứng với xu thế truyền thông ngắn, nhanh của thế giới.
Thực hiện phương châm này, sẽ có nhiều chương trình hành động nhằm thúc đẩy việc tuyên truyền trên “màn hình nhỏ”, nhất là trên mạng xã hội, đưa nền tảng truyền hình số quốc gia VTVGo lên TV thông minh, vinh danh các sản phẩm nội dung số, khuyến khích lan tỏa năng lượng tích cực, triển khai chiến lược thúc đẩy phát triển ngành game và giai đoạn 2 của sáng kiến whitelist, blacklist,…
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm nhận xét, Cục PTTH&TTĐT đã xử lý được một khối lượng công việc lớn trong năm 2023; và mong muốn trong năm 2024 Cục PTTH&TTĐT cần có một quy trình thống nhất với Cục An toàn thông tin và Trung tâm Internet Việt Nam để tăng cường hiệu quả làm sạch không gian mạng. Bên cạnh đó, cần có giải pháp để kêu gọi các bộ, ngành cùng tham gia vào cuộc chiến chống lừa đảo trên không gian mạng.
Tại hội nghị này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long đề nghị Cục PTTH&TTĐT xem xét lại việc cấp giấy phép và rà soát hoạt động của các trang tin điện tử, mạng xã hội để sớm có biện pháp ngăn chặn tình trạng “báo hóa”. Cục PTTH&TTĐT cũng được yêu cầu phối hợp với Cục Viễn thông và Trung tâm Internet Việt Nam để chủ động rà soát, xử lý hình ảnh, video vi phạm.
Nhận thức mới để thay đổi mạnh mẽ
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã đánh giá cao nỗ lực của lãnh đạo và cán bộ nhân viên Cục PTTH&TTĐT trong năm 2023 đã cố gắng, có nhiều thành tích và đạt được nhiều kết quả tốt.
Bộ trưởng đánh giá cao các cách làm, sáng kiến và những kết quả mà Cục PTTH&TTĐT đã làm được trong việc đấu tranh, quản lý các nền tảng xuyên biên giới. Cái gì tốt sẽ không tốt mãi, do vậy, Bộ trưởng mong muốn trong năm 2024, bên cạnh việc quản lý, Cục PTTH&TTĐT cần chú ý nhiều hơn tới thúc đẩy sự phát triển.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, ngành phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đang đối mặt với nhiều sự thay đổi. Cục PTTH&TTĐT vì thế sẽ phải giải bài toán phát triển của ngành truyền hình, với việc mở rộng kinh doanh, xử lý câu chuyện về mối quan hệ giữa “màn hình to”, “màn hình nhỏ”, tỷ lệ giữa “nội dung ngắn” và “nội dung dài”, vấn đề tự chủ và hỗ trợ của nhà nước, vấn đề báo chí và công nghệ hay tỷ lệ người làm công nghệ trong các cơ quan báo chí, xu hướng truyền hình quảng bá và đa nền tảng, xu hướng ứng dụng AI để giảm bớt công việc,...
“Truyền hình số mặt đất liệu có cần duy trì không? Phát triển truyền hình trả tiền ra sao? Quản lý thế nào?, Có vẻ truyền hình OTT sẽ chiếm ưu thế, vậy có nên đầu tư tiếp và kích thích sự phát triển của truyền hình cáp?...”, Bộ trưởng đặt một số vấn đề.
Đó còn là những bài toán về sự phát triển của các mạng xã hội Việt Nam, của ngành công nghiệp game, của ngành công nghiệp nội dung số, việc định hướng cho các trang thông tin điện tử, xác định và tạo cơ chế cho các đài truyền hình chủ lực vươn lên, phát triển kênh truyền hình quốc tế của Việt Nam,...
Gợi ý về cách làm, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, để ngành truyền hình sống được, cần phải nghĩ đến việc mở rộng hoạt động kinh doanh, phát triển các nội dung báo chí như thể thao, giải trí, tư vấn, sự kiện, truyền thông,...
“Màn hình to” (TV) và “màn hình nhỏ” (điện thoại, máy tính bảng) đều có thế mạnh riêng và có thể bổ trợ lẫn nhau. Điều quan trọng là phải điều tiết tỷ lệ sao cho hợp lý. Tương tự là câu chuyện giữa “nội dung ngắn” và “nội dung dài”. Đây là vấn đề liên quan đến cách thức, sự thay đổi của lĩnh vực truyền hình. Truyền thông ngắn là câu chuyện của thời đại, nhưng các đài truyền hình truyền thống dường như đang bỏ trống “trận địa” này.
Theo Bộ trưởng, nên giảm tỷ lệ hỗ trợ cho những đài truyền hình được “bao cấp” hoàn toàn để họ được thúc đẩy bởi yếu tố thị trường. Với những đài truyền hình lớn, đang tự chủ, cần tạo cơ chế chính sách để họ thuận lợi phát triển. Bên cạnh đó, cũng cần điều chỉnh tỷ lệ nguồn thu của các đài sao cho hợp lý, tránh việc bị phụ thuộc vào quảng cáo hay hoạt động liên kết.
Bộ trưởng cũng giao nhiệm vụ cho Cục PTTH&TTĐT cần nghiên cứu, điều phối tỷ lệ ăn chia giữa các nhà phát triển nội dung và nhà mạng để thúc đẩy ngành công nghiệp nội dung số Việt Nam phát triển, nghiên cứu mô hình “chuyển mạng giữ mối liên hệ” để thúc đẩy sự phát triển của các mạng xã hội Việt Nam.
Game đã thâm nhập vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Do đó, cần coi game là ngành công nghiệp nội dung để phát triển kinh tế số, đồng thời giới thiệu văn hoá, lịch sử Việt Nam. Phát triển ngành công nghiệp game cần có chiến lược, truyền thông, có các giải game nhưng cũng cần có biện pháp hạn chế mặt tiêu cực do game mang lại.
Để làm được những việc trên, Cục PTTH&TTĐT cần có các phương pháp đo lường thế hệ mới, với dữ liệu tốt hơn, thông minh hơn, dùng công nghệ số, cụ thể là AI và trợ lý ảo để tăng năng suất lao động, giảm thời gian làm việc.
Cục PTTH&TTĐT cũng có thể học hỏi kinh nghiệm quản lý từ Cục Viễn thông trong việc giải quyết bài toán cạnh tranh, đưa ra các tiêu chuẩn đo và công bố để thúc đẩy, quản lý chất lượng. Bên cạnh đó, trong năm 2024, Cục PTTH&TTĐT phải đánh giá và công bố về mức độ lành mạnh trên không gian mạng theo từng bộ ngành, địa phương.
Năm 2024 là năm quan trọng trong kế hoạch 5 năm, là năm tăng tốc về đích. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, Cục PTTH&TTĐT phải có sự thay đổi về nhận thức, đẩy mạnh việc thúc đẩy phát triển để Việt Nam có thêm nhiều ngành công nghiệp phát triển bền vững.