Trong khi các quan chức Israel ví cuộc tập kích tên lửa bất ngờ của Hamas như vụ khủng bố Mỹ ngày 11/9/2001, Deif mô tả đó là “cơn lũ Al Aqsa”.
Theo Reuters, cụm từ Deif sử dụng trong đoạn ghi âm được công bố khi Hamas nã hàng nghìn quả tên lửa từ Dải Gaza vào lãnh thổ Israel hôm 7/10, ám chỉ đây là sự đáp trả của nhóm vũ trang này đối với các vụ tập kích của quân Do Thái vào thánh đường Hồi giáo Al Aqsa ở Jerusalem.
Một nguồn tin thân cận với Hamas ở Gaza kể, vào tháng 5/2021, sau một cuộc đột kích của quân Do Thái vào thánh đường Al Aqsa khiến thế giới Ảrập và Hồi giáo phẫn nộ, Deif bắt đầu lên kế hoạch cho hành động trả đũa, cướp đi sinh mạng của hơn 1.200 người ở Israel.
Hơn 2 năm sau, cuộc tấn công ngày 7/10 của Hamas đánh dấu vụ chọc thủng hệ thống phòng thủ Israel nghiêm trọng nhất từ cuộc xung đột Ảrập - Israel năm 1973, đã dẫn đến việc quân đội Do Thái tuyên chiến và thực hiện chiến dịch không kích đáp trả, khiến hơn 1.000 người chết tính đến 11/10.
Hành tung bí ẩn
Là người sống sót sau 7 nỗ lực ám sát của Israel, với lần gần đây nhất vào năm 2021, Deif, lãnh đạo Lữ đoàn Al Qassam, nhánh vũ trang của Phong trào Hồi giáo Hamas, hiếm khi phát biểu công khai và chưa bao giờ xuất hiện trước công chúng.
Vì vậy, khi kênh truyền hình của Hamas thông báo ông sắp ra tuyên bố hôm 8/10, cư dân ở Gaza biết điều gì đó quan trọng đang diễn ra.
Chỉ có 3 bức ảnh của Deif gồm một ảnh ở độ tuổi 20, một ảnh khác chụp ông ta đeo mặt nạ và một ảnh về cái bóng của ông ta, được sử dụng khi phát sóng băng ghi âm. Hiện chưa rõ Deif đang ở đâu, rất có thể ông ta đang ẩn náu ở Gaza, trong mê cung đường hầm dưới lòng đất.
Theo giới chức Israel, Deif có tên thật là Mohammad Masri, sinh năm 1965 tại Trại tị nạn Khan Yunis được thành lập sau chiến tranh Ảrập - Israel năm 1948. Ông ta được biết đến với cái tên Mohammed Deif sau khi gia nhập Hamas trong cuộc nổi dậy (Intifada) đầu tiên của người Palestine năm 1987.
Một nguồn tin của Hamas tiết lộ, Deif từng bị Israel bắt vào năm 1989 và bị giam giữ khoảng 16 tháng.
Deif có bằng cử nhân khoa học tại Đại học Hồi giáo ở Gaza. Hồi còn đi học, ông ta thể hiện niềm yêu thích với nghệ thuật, từng đứng đầu câu lạc bộ giải trí của trường và tham gia biểu diễn các vở hài kịch trên sân khấu.
Trong quá trình vươn lên vị trí chỉ huy của Hamas, Deif đã phát triển mạng lưới đường hầm và góp phần thúc đẩy khả năng chế tạo bom của nhóm. Ông ta đứng đầu danh sách truy nã gắt gao nhất của Israel trong nhiều thập kỷ, bị quy trách nhiệm về cái chết của hàng chục người Do Thái.
Đối với Deif, ẩn mình trong bóng tối là vấn đề sống còn. Các nguồn tin của Hamas hé lộ, ông ta bị mất một mắt và bị thương nặng ở một chân sau một vụ ám sát của Israel. Vợ cùng con gái 3 tuổi và con trai 7 tháng tuổi của Deif đã thiệt mạng trong một vụ không kích của Israel năm 2014.
Việc sống sót trong khi lãnh đạo Lữ đoàn Al Qassam đã giúp tạo nên tên tuổi của Deif. Trong các video do Hamas công bố, ông ta luôn bịt mặt hoặc chỉ để lộ cái bóng. Viên chỉ huy này cũng không sử dụng thiết bị công nghệ kỹ thuật số hiện đại như điện thoại thông minh.
Chủ mưu giấu mặt
Một nguồn tin an ninh Israel quả quyết, Deif đã trực tiếp tham gia vào việc lập kế hoạch và điều hành cuộc tấn công ngày 7/10. Nguồn tin thân cận Hamas xác nhận, quyết định chuẩn bị tấn công do Deif cùng với Yehya Sinwar, thủ lĩnh Hamas ở Gaza đưa ra. Song, không rõ ai là “kiến trúc sư trưởng”.
“Có hai bộ não, nhưng chỉ một kẻ chủ mưu”, nguồn tin nói, đồng thời lưu ý chỉ một số ít lãnh đạo Hamas biết thông tin về chiến dịch.
Cũng theo nguồn tin, mọi việc được giữ kín đến mức Iran, nước huấn luyện, cung cấp tài chính và vũ khí quan trọng cho Hamas, cũng chỉ biết một cách chung chung rằng nhóm đang lên kế hoạch cho một chiến dịch lớn, nhưng không rõ thời gian và các chi tiết khác.
Nhà lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei hôm 10/11 quả quyết Tehran không liên quan đến vụ tập kích vào Israel. Mỹ tuyên bố, mặc dù Iran “đồng lõa” nhưng không có thông tin tình báo hay bằng chứng nào phản ánh Tehran trực tiếp can dự.
Kế hoạch của Deif dường như bao gồm một nỗ lực qua mặt kéo dài, khiến người Israel lầm tưởng Hamas không quan tâm đến việc phát động xung đột và thay vào đó đang tập trung vào phát triển kinh tế ở Gaza, nơi nhóm đang nắm quyền kiểm soát.
Ali Baraka, quan chức phụ trách quan hệ đối ngoại của Hamas cho biết: “Chúng tôi đã chuẩn bị cho trận chiến này trong 2 năm”.
Trong đoạn ghi âm mới, Deif giải thích, Hamas ra tay sau nhiều lần cảnh báo Israel “chấm dứt tội ác chống lại người Palestine, trả tự do cho các tù nhân cũng như chấm dứt việc trưng thu đất đai của người Palestine”.
Trong hơn một năm, tình trạng hỗn loạn đã xảy ra ở Bờ Tây, một khu vực dài khoảng 100km và rộng 50km, là trung tâm của cuộc xung đột Israel - Palestine kể từ khi bị quân Do Thái thâu tóm năm 1967.
Theo lời Deif, Hamas đã kêu gọi cộng đồng quốc tế chấm dứt các hành động “sai trái” của Israel, nhưng chính quyền Do Thái vẫn tăng cường “các động thái khiêu khích”.
Ông ta cũng nói, Hamas trước đây từng yêu cầu Israel thực hiện một thỏa thuận nhân đạo để thả các tù nhân Palestine, nhưng bị từ chối. "Tất cả điều này đã thúc đẩy và khơi dậy sự tức giận”, nguồn tin thân cận Hamas nhấn mạnh.
Thái độ kiên quyết của các chỉ huy Hamas như Deif, cùng với sự ủng hộ nhóm của các tổ chức vũ trang nổi dậy khác của người Ảrập ở Lebanon, Syria… đang làm gia tăng lo ngại về nguy cơ xung đột với Israel lan rộng hơn.