Áp lực từ giá nhiên liệu thế giới ngày càng đè nặng
Thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, giá nhiên liệu các tháng vừa qua của năm 2023 mặc dù có giảm so với năm 2022, tuy nhiên vẫn ở mức cao so với các năm 2020-2021.
Trong đó, giá than cao vẫn đang đè nặng lên chi phí mua điện của tập đoàn này. Giá than nhập gbNewC tăng 2,97 lần so với năm 2020, tăng 1,3 lần so với năm 2021; giá dầu HSFO tăng 1,86 lần so với năm 2020 và tăng 1,13 lần so với năm 2021.
Còn than mua của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc cũng tăng từ 29,6% đến 49% (tuỳ từng chủng loại than) so với giá than áp dụng năm 2021.
Giá than, giá dầu, giá khí cùng tăng khiến chi phí mua điện than, điện khí của tập đoàn này cũng tăng theo. Bởi lẽ, năm 2023, các nhà máy điện than và khí chiếm tỷ trọng sản lượng điện phát lên tới 55% tổng sản lượng điện phát toàn hệ thống.
Đó là lý do khiến giá thành sản xuất điện năm 2023 được ước tính khoảng 2.098 đồng/kWh, cao hơn giá bán lẻ điện bình quân khoảng 178 đồng/kWh. Nói cách khác, giá mua vào cao hơn giá điện bán ra.
Điều đáng lo ngại là, tỷ trọng than nhập khẩu giá cao ngày càng tăng. Hiện nay, than trong nước được khai thác ở mức 43-45 triệu tấn/năm, chỉ đáp ứng khoảng một nửa lượng than cho các nhà máy điện than. Với quy mô điện than như hiện tại, ước tính than trong nước chỉ đảm bảo cho sản xuất dưới 20% tổng sản lượng điện; các nhà máy còn lại phải nhập khẩu than, hoặc sử dụng than trộn.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, lượng than nhập khẩu của Việt Nam tăng nhanh, từ mức 6,9 triệu tấn của năm 2015 đã tăng lên mức “đỉnh” trên 54 triệu tấn vào năm 2020. Chỉ riêng 10 tháng năm 2023, nhập khẩu than đã vượt 40 triệu tấn.
Theo tính toán của Bộ Công Thương, khai thác than toàn ngành giai đoạn 2021-2025 dự kiến đạt 40-44 triệu tấn/năm than thương phẩm. Còn tổng nhu cầu than giai đoạn này khoảng 108-110 triệu tấn.
Trong đó, nhu cầu than cho sản xuất điện chiếm trên 70% so với tổng nhu cầu trong nước (khoảng 78-79 triệu tấn, bao gồm 38-39 triệu tấn than nhập khẩu).
“Để đáp ứng nhu cầu sử dụng than trong nước, ngoài khối lượng than sản xuất trong nước (khoảng 44 triệu tấn), Việt Nam dự kiến phải nhập khẩu khoảng 66-68 triệu tấn”, Bộ Công Thương tính toán.
Còn tổng nhu cầu khí trong nước khoảng 11.200 tỷ m3, trong khi khả năng sản xuất khí trong nước là 10.071-10.463 tỷ m3. Để đáp ứng nhu cầu, dự kiến Việt Nam phải nhập khoảng 737-1.129 tỷ m3.
Theo Quy hoạch điện VIII, điện năng sản xuất từ điện than và khí sẽ duy trì ở mức trên 52% năm 2025 và trên 60% tổng sản lượng điện trong nước vào năm 2030; trong đó điện than chiếm tới 42% vào năm 2025 và 34,8% vào năm 2030. Như vậy giá nhiên liệu hóa thạch sẽ tác động mạnh đến cơ cấu giá thành sản xuất điện chung từ nay tới năm 2030.
Chuyện không chỉ riêng của Việt Nam
Chi phí nhiên liệu than, khí dự kiến còn tạo ra áp lực rất lớn đến giá điện thời gian tới. Đây là câu chuyện không phải chỉ của Việt Nam.
2 năm nay, trước những biến động khủng khiếp từ giá than, dầu, khí, hàng loạt quốc gia trên khắp thế giới đã phải đối diện tình trạng giá điện tăng mạnh.
Từ tháng 1 đến tháng 4/2023, Thái Lan cũng đã phải tăng giá điện 13%, từ 4,72 baht/kWh (tương đương 3.276 đồng/kWh) lên 5,33 Baht/kWh (tương đương 3.699 đồng/kWh).
Tại Nhật Bản, do chi phí mua sắm nhiên liệu tăng cao, 5 công ty điện lực (Tohoku Electric Power, Hokuriku Electric Power, Chugoku Electric Power, Shikoku Electric Power and Okinawa Electric Power) đã nộp đơn xin Chính phủ phê duyệt tăng kế hoạch tăng giá điện sinh hoạt từ 28% đến 46% từ tháng 4/2023. Công ty Điện lực Tokyo Holdings (Tepco) đã nộp đơn xin tăng giá điện với các hộ gia đình lên trung bình 29,3% từ tháng 6/2023. Hokkaido Electric Power áp dụng mức tăng khoảng 32%, từ tháng 6/2023.
Ngoài ra, do biến động quá mạnh của giá nhiên liệu cho phát điện, nhiều công ty điện lực ở các quốc gia khác ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ cũng phải tăng giá điện ở mức rất cao để cân bằng tài chính.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, từ 1/9/2022, giá điện cho người tiêu dùng công nghiệp tăng 50%. Giá điện cho hộ gia đình và khu vực công cũng tăng lần lượt 20% và 30%.
Mức tăng lớn nhất được quan sát thấy ở Séc (61,8 %), tiếp theo là Latvia (59,4 %) và Đan Mạch (57,3 %). Chi phí năng lượng và cung cấp chủ yếu thúc đẩy sự gia tăng về mức giá điện như kể trên.
Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh, chia sẻ: Trong giai đoạn khủng hoảng năng lượng, với chi phí đầu vào nhiên liệu rất cao, Singapore cũng gặp khủng hoảng lớn về cung ứng năng lượng. Hầu hết công ty cung ứng điện nhỏ lẻ đều bị đóng cửa, không tiếp tục kinh doanh được.
“Thách thức lớn nhất của chúng ta khi hòa nhập với thị trường năng lượng thế giới là phải chấp nhận câu chuyện cung cầu, giá cả thế giới biến động. Điều này khiến chi phí đầu vào cho năng lượng cũng như sản xuất điện năng của chúng ta thay đổi rất lớn”, ông Hà Đăng Sơn nhấn mạnh.
Sức ép về chi phí nhiên liệu cũng khiến Việt Nam phải tăng giá điện từ ngày 4/5, với mức tăng 3% sau 4 năm giữ nguyên. Mức tăng này được đánh giá là “chưa bù đắp nổi chi phí” cho EVN.
So sánh cơ chế điều hành giá điện với giá xăng dầu, ông Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội dầu khí Việt Nam, cho rằng: “Cơ chế giá xăng dầu đã gần như tiệm cận với thị trường, tức là thị trường đầu vào tăng thì đương nhiên đầu ra sẽ tăng. Thị trường điện cũng phải như thế, tức là phải theo quy luật của thị trường”.