Bệnh nhân là ông T.N.M, 53 tuổi, trú tại huyện Yên Lập (Phú Thọ). Tuần trước, người đàn ông này rơi từ độ cao khoảng 2,5m xuống nền cứng, tiếp đất bằng chân phải. Sau 6 ngày tự điều trị tại nhà, gót chân phải của ông vẫn sưng nề, đau, căng tức, đau tăng hơn khi ở tư thế buông thõng chân.
Nhiều ngày tự điều trị nhưng các triệu chứng không thuyên giảm, bệnh nhân mới đến Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) khám. Từ kết quả chụp chiếu, bác sĩ kết luận bệnh nhân vỡ phức tạp xương gót chân phải, thậm chí hình ảnh trên phim cắt lớp vi tính 3D cho thấy xương gót chân có các đường vỡ chằng chịt như bản đồ.
Ngay sau khi nhập viện vài giờ, bệnh nhân được đẩy vào phòng phẫu thuật để kết hợp xương gót chân phải dưới màn hình tăng sáng. Sau nắn chỉnh, 3 đinh kirschner được các bác sĩ xuyên vào xương gót cố định các mảnh vỡ, kiểm tra xương gót phục hồi giải phẫu và vững chắc. Vùng gót chân phải không có bất cứ vết rạch da nào.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Giang Hoài Đức, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê, gãy xương gót chân xảy ra khi bị lực tác động trực tiếp vào vùng gót chân. Bệnh không nguy hiểm đến tính mạng ngay nhưng nếu không điều trị hoặc điều trị không đúng cách có thể dẫn đến các vấn đề lâu dài như đau mãn tính, mất linh hoạt khớp cổ chân, thậm chí cứng khớp.
Sau khi bị chấn thương, người bệnh cần đến cơ sở y tế khám, xác định các tổn thương để điều trị kịp thời, tránh để lại các di chứng.