Theo Japan Times, trong ngày 21/8, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã đưa ra kế hoạch tài chính cho năm tài khóa 2023, bao gồm chi phí cho việc bổ sung và cải tiến tên lửa phòng không tầm xa Type-12 của Lực lượng Phòng vệ (SDF). Việc bổ sung một lượng lớn tên lửa vào kho dự trữ được cho là một biện pháp phòng thủ trước những cuộc tập trận của Trung Quốc diễn ra suốt thời gian qua.
Một quan chức tiết lộ, Bộ Quốc phòng đang đề nghị một khoản ngân sách kỷ lục, lên tới 5,5 nghìn tỷ Yên (40 tỷ USD), và số tiền thực tế sẽ còn lớn hơn nữa, bởi đang có 100 loại khí tài quân sự chưa được báo giá chính xác. Phần lớn khoản tiền này sẽ được dùng để bổ sung và nâng cấp tầm bắn cho hơn 1.000 tên lửa phòng không Type-12.
Theo thông tin của tờ Yomiuri, các tên lửa phòng không sẵn có sẽ được nâng cấp tầm bắn từ 100km lên 1.000km, để có thể đáp trả bất kỳ nguy cơ an ninh nào trong khu vực. Các loại tên lửa này sẽ được trang bị cả trên các hệ thống phòng thủ mặt đất, tàu khu trục lẫn tiêm kích của SDF.
Trước đó, Thủ tướng Kishida Fumio đã gọi việc đại tu khả năng phòng ngự quốc gia là vấn đề quan trọng nhất trong thời gian còn lại của năm 2022. Hiện tại, cả Trung Quốc và Triều Tiên đều sở hữu những tên lửa đạn đạo mạnh mẽ, trước những diễn biến thất thường trong khu vực, việc cải thiện khả năng phòng thủ là điều tối quan trọng.
"Nhật Bản sẽ tăng cường mạnh mẽ năng lực phòng thủ của mình trong vòng 5 năm tới, chúng tôi sẽ không loại trừ bất kỳ phương án nào, kể cả việc sở hữu những tên lửa mang có khả năng tấn công", Thủ tướng Kishida cho biết.
Trong những năm vừa qua, Tokyo đã tăng cường chi tiêu quốc phòng và thực hiện một chiến lược quyết đoán hơn trong việc nâng cấp các phương án phòng thủ. Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn luôn tránh việc triển khai các tên lửa tầm xa hay các loại vũ khí có thể tấn công các mục tiêu trên đất liền trong khu vực.
Việt Dũng