Với tư cách là thành viên của Công ước Luật biển 1982, Nhật Bản đã lên tiếng phản đối Công hàm CML/63/2020 ngày 18/9/2020 của Trung Quốc phản ứng với các công hàm của 3 nước châu Âu - Anh, Pháp, Đức ngày 16/9/2020 gửi Tổng thư ký LHQ về tranh chấp ở Biển Đông.
Tàu của Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản cùng tàu hải quân Mỹ và Ấn Độ. Ảnh: Reuters |
Khác với công hàm của 3 nước châu Âu liệt kê đầy đủ các công hàm của Trung Quốc (No. CML/14/2019 ngày 12/12/2019, No. CML/11/2020 ngày 23/3/2020, No. CML/42/2020 ngày 17/4/2020, No. CML/46/2020 ngày 2/6/2020, No. CML/48/2020 ngày 18/6/2020, No. CML/54/2020 ngày 29/7/2020, và No. CML/56/2020 ngày 7/8/2020, cũng như Phụ lục của Công thư ngày 9/6/2020) từ khi Malaysia đơn phương trình hồ sơ ranh giới thềm lục địa mở rộng lên LHQ ngày 12/12/2019, công hàm của Nhật Bản chỉ nêu tên công hàm CML/63/2020.
Không chấp nhận lập luận của Trung Quốc
Song với tiến trình vụ việc và thứ tự các công hàm đã nêu, công hàm Nhật Bản thể hiện sự không chấp nhận các lập luận của Trung Quốc thể hiện trong các công hàm trước và được nhắc lại một cách tổng quát trong công hàm CML/63/2020. Công hàm đồng thời khẳng định ủng hộ quan điểm các nước châu Âu nêu trên. Đó là:
Coi UNCLOS có tính phổ quát và thống nhất xác lập khung pháp lý cho mọi hoạt động được tiến hành trên biển và đại dương.
Phán quyết của Tòa trọng tài phụ lục 7 ngày 12/7/2016 là chung thẩm và bắt buộc với các bên, Philippines và Trung Quốc.
Các quyền tự do biển cả cần được tôn trọng.
Đường cơ sở quần đảo không được áp dụng bất hợp pháp cho các quần đảo xa bờ của quốc gia ven biển.
Không chấp nhận các hoạt động mở rộng nhằm thay đổi quy chế pháp lý của các thực thể; và không công nhận các quyền lịch sử tại Biển Đông trái với các quy định của Công ước.
Nóng lạnh thất thường, Trung Quốc thay đổi ngoại giao chiến lang
Không lạ gì khi Mỹ - Trung lên gân ăn miếng trả miếng nhau nhưng giữa hai bên vẫn tiếp tục duy trì các kênh dự phòng ngăn ngừa các tình huống xấu đi, vượt ngoài vòng kiểm soát.
Trong Công hàm SC/21/002 ngày 19/1/2021, Nhật Bản đặc biệt nhấn mạnh 3 vấn đề: cách áp dụng đường cơ sở quần đảo, quy chế pháp lý của các bãi cạn nửa nổi nửa chìm và quyền tự do hàng hải, hàng không.
Trong công hàm CML/63/2020, Trung Quốc cho rằng đã có một thực tiễn được xác lập lâu dài trong luật quốc tế liên quan đến các quần đảo xa bờ của các quốc gia lục địa và thực tiễn đó nên được tôn trọng.
Đây là lý do để biện minh việc Trung Quốc áp dụng đường cơ sở quần đảo chỉ quy định riêng cho các quốc gia quần đảo cho quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ngày 15/6/996 và quần đảo Senkaku/Diaoyu tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc ngày 10/9/2012.
Công hàm Nhật Bản khẳng định: “Không có chỗ cho một quốc gia thành viên biện minh cho việc áp dụng những đường cơ sở mà không thỏa mãn các quy định của Công ước luật biển”.
Phản đối của các nước Mỹ, ba nước châu Âu, Australia và Nhật Bản cho thấy không có một thực tiễn quốc gia nào cho phép áp dụng đường cơ sở quần đảo cho các nhóm đảo xa bờ của quốc gia lục địa như Trung Quốc lập luận. Các bãi cạn nửa nổi nửa chìm ở Trường Sa không có quy chế đảo, hoặc đá, không có lãnh hải và vùng trời quốc gia.
Vì vậy, việc Trung Quốc phản đối việc qua lại của máy bay Nhật Bản qua vùng trời trên đá Vành Khăn và mưu tính hạn chế quyền tự do hàng không tại Biển Đông là không thể chấp nhận.
Đây là lần đầu tiên Nhật đưa ra thực tiễn cụ thể về sự hạn chế quyền tự do hàng không của mình ở Biển Đông và hành động này có thể được hiểu như phản ứng với bất kỳ ý định thiết lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trong vùng biển này.
Quốc gia châu Á đầu tiên ngoài Đông Nam Á lên tiếng
Nhật Bản, quốc gia châu Á đầu tiên ngoài khu vực Đông Nam Á, đã lên tiếng vì quyền lợi của mình và phối hợp với các nước ngăn chặn những hoạt động thái quá, đe dọa hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực cũng như các quyền tự do biển cả ở Biển Đông. Công hàm của Nhật Bản góp phần đẩy nhanh quá trình quốc tế hóa Biển Đông, điều mà Trung Quốc không muốn.
Các nước Á - Âu - Thái Bình Dương đều thể hiện một lập trường thống nhất, tạo sức mạnh pháp lý và công luận lên những hành động không phù hợp với luật biển quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.
Công hàm Nhật Bản được đưa ra đúng vào thời điểm Mỹ có chính quyền mới và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vừa hoàn thành chuyến thăm 9 nước ASEAN. Điều này phần nào thể hiện tính cạnh tranh quyết liệt của các nước lớn giành ảnh hưởng ở vùng biển này.
Nó thể hiện nỗ lực của Nhật Bản củng cố quan hệ với các nước trong khu vực nhằm chống lại sự hung hăng của Trung Quốc trong cả Biển Đông và biển Hoa Đông. Nó thể hiện chính sách mà chính quyền của Thủ tướng Suga theo đuổi chống lại bất kỳ hành động nào làm leo thang căng thẳng ở Biển Đông.
Giải quyết tranh chấp Biển Đông hay biển Hoa Đông không thể chỉ dựa trên đe dọa sử dụng vũ lực mà phải dựa trên luật quốc tế và các biện pháp giải quyết hòa bình.
Nguyễn Hồng Thao
Công hàm chung Pháp, Anh, Đức và cuộc chiến pháp lý trên Biển Đông
Pháp, Anh và Đức gửi công hàm chung thể hiện quan điểm với 7 công hàm Phái đoàn Trung Quốc đề nghị lưu hành tại Liên hợp quốc.