Nhật Bản đang phát triển một loạt các thiết bị giám sát từ xa để theo dõi sức khỏe bệnh nhân Covid-19. Các thiết bị này bao gồm áo đo nhịp tim của bệnh nhân, giường thông minh theo dõi chức năng hô hấp, hay đồng hồ thông minh đánh giá độ bão hòa oxy trong máu.

Tomoko Kamei, trưởng nhóm phát triển hệ thống khám chữa bệnh từ xa của Đại học Quốc tế St Luke’s ở Tokyo (SLIU), chia sẻ: “Nếu được sử dụng hiệu quả, các thiết bị có thể làm giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19 do chăm sóc y tế trực tiếp và khám bệnh ngoại trú”.

{keywords}
Nhật Bản đang phát triển một loạt các thiết bị giám sát từ xa để theo dõi sức khỏe bệnh nhân Covid-19.

Chiếc áo thông minh của hãng sản phẩm dệt may công nghệ Mitsufuji sử dụng sợi chỉ đặc biệt có khả năng dẫn điện, gắn một cảm biến nhỏ để đo nhịp tim và thực hiện ghi điện tâm đồ theo thời gian thực.

Dữ liệu từ chiếc áo sẽ được gửi đến bệnh nhân cũng như những người chăm sóc, như thành viên gia đình hay nhân viên y tế, thông qua ứng dụng đặc biệt hoặc qua email. Báo động sẽ được phát ra nếu chiếc áo phát hiện dấu hiệu bất thường, chẳng hạn như khi bệnh nhân bị ngã.

Tỉnh Kyoto (Nhật Bản) đã mua áo dệt kim của Mitsufuji để sử dụng cho các bệnh nhân Covid-19 điều trị tại khu khách sạn cách ly, giúp nhân viên y tế phản ứng ngay lập tức nếu tình trạng bệnh nhân chuyển biến xấu đi.

Hãng Paramount Bed thì đang chào bán "hệ thống giường thông minh", sử dụng một bộ cảm biến gắn dưới đáy giường để theo dõi chức năng hô hấp, nhịp tim và trạng thái giấc ngủ của bệnh nhân. Cảm biến sẽ dựa trên những chuyển động theo từng nhịp thở.

Dữ liệu từ chiếc giường sẽ xuất hiện trên màn hình để bệnh nhân có thể tự xem, đồng thời thường xuyên gửi báo cáo đến các y tá của bệnh viện. Nhờ vậy, y tá có thể theo dõi bệnh nhân từ xa mà không cần đến thăm khám trực tiếp thường xuyên.

Báo động sẽ được chiếc giường kích hoạt trong trường hợp khẩn cấp. Ở tỉnh Saitama, gần Tokyo, từ năm ngoái chiếc giường thông minh đã được sử dụng cho bệnh nhân điều trị ở các khu khách sạn cách ly.

Nhóm của Tomoko Kamei tại SLIU còn phát triển đồng hồ đo độ bão hòa oxy trong máu, có thể điều khiển từ xa qua tablet để ghi lại bệnh sử. Dữ liệu được tự động gửi đến cơ sở y tế, và các y tá có thể xác nhận lại dữ liệu qua gọi video. Thông tin sau đó được chia sẻ với bác sỹ để thiết lập liệu trình điều trị.

Đồng hồ theo dõi nồng độ oxy trong máu đang trở nên phổ biến. Độ bão hòa oxy giảm đột ngột là một dấu hiệu cho thấy tình trạng xấu đi của bệnh hô hấp. Mặc dù vậy, đồng hồ thông minh của Apple hay Fitbit không phải thiết bị y tế, chủ yếu để theo dõi tình trạng chung của người đeo trong quá trình tập luyện thể thao.

Một số địa phương ở Nhật Bản đã cấp phát đồng hồ đo nồng độ oxy trong máu do nhóm của SLIU sản xuất cho bệnh nhân Covid-19. “Nhiều bệnh nhân nói rằng đồng hồ đo giúp họ yên tâm, ngay cả khi không điều trị trong các cơ sở y tế”, Tomoko Kamei chia sẻ thêm.

Anh Hào (Theo Japan Today)

Robot giúp xoa dịu tâm lý trong khi giãn cách xã hội tại Nhật Bản

Robot giúp xoa dịu tâm lý trong khi giãn cách xã hội tại Nhật Bản

Doanh số các robot có khả năng hàn gắn tâm lý, như robot ưa vuốt ve Lovot, chú chó robot Aibo, hay Qoobo - robot hình chiếc nệm gắn đuôi có thể vẫy mỗi khi tương tác, đang tăng mạnh.