Vào một ngày thứ Bảy trời mưa xám xịt, dòng xe buýt chở khách du lịch vẫn di chuyển đến trạm dừng chân ở phía dưới ngọn núi Phú Sĩ cao 3.776m của Nhật Bản. Hàng chục khách nước ngoài xuống xe, và đứng phía trước các cửa hàng lưu niệm hoặc nhà hàng. Hình ảnh này giống với một công viên giải trí hơn là chốn linh thiêng mà người dân Nhật Bản tôn thờ bao đời nay.
"Không được hút thuốc ở đây!", nhân viên cửa hàng lưu niệm nói với một người đàn ông mặc quần soóc và cầm lon bia trước cánh cổng "torii" màu đỏ tượng trưng cho lối vào đền thờ Thần đạo.
Núi Phú Sĩ nằm giữa hai tỉnh Yamanashi và Shizuoka ở miền đông Nhật Bản. Đây là địa điểm du lịch yêu thích của du khách trong và ngoài Nhật Bản.
Theo hãng tin Reuters, số lượng du khách tới thăm Nhật Bản gia tăng thời gian gần đây đã khiến tình trạng ô nhiễm trở nên trầm trọng cùng nhiều vấn đề khác. Giới chức Nhật Bản cho biết, họ có thể phải thực hiện các biện pháp quyết liệt như hạn chế số lượng du khách tới thăm núi Phú Sĩ, bằng cách chỉ cho phép di chuyển tới thăm địa danh này bằng hệ thống tàu điện đang được xây dựng.
“Núi Phú Sĩ đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng thực sự. Không thể kiểm soát tình hình, và chúng tôi lo ngại núi Phú Sĩ sẽ sớm trở nên kém hấp dẫn, và không còn ai muốn tới leo núi”, ông Masatake Izumi, quan chức tại tỉnh Yamanashi nói.
Cách đây 10 năm, núi Phú Sĩ được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Tuy nhiên, để bảo tồn ngọn núi thiêng, Nhật Bản cần phải giảm bớt số lượng du khách, tác động đến môi trường, và sửa chữa những cảnh quan nhân tạo, như các bãi đỗ xe lớn được xây dựng để phục vụ đoàn xe du lịch.
Trên thực tế, tình trạng quá tải du khách ở núi Phú Sĩ ngày càng trầm trọng. Điển hình, Subaru, trạm dừng chân thứ 5, có quy mô lớn nhất ở núi Phú Sĩ, đã đón khoảng 4 triệu du khách trong mùa hè năm nay, tăng 50% so với năm 2013.
Dù những người lao công, doanh nghiệp và tình nguyện viên đã tăng cường dọn dẹp, song mạng xã hội vẫn đầy rẫy hình ảnh về các phòng vệ sinh bẩn, và những đống rác dọc theo con đường leo núi.
Ông Izumi lo lắng Hội đồng Quốc tế về Di tích và Di chỉ (ICOMOS), cơ quan cố vấn cho Ủy ban Di sản Thế giới, có thể đến gõ cửa bất cứ khi nào để yêu cầu cơ quan chức năng Nhật Bản thay đổi tình hình.
Việc du khách cố leo lên đỉnh ngọn núi cao nhất của Nhật Bản để đón bình minh và đi xuống trong cùng ngày cũng là vấn đề gây đau đầu. Theo cảnh sát tỉnh Shizuoka, tính tới hiện tại, tổng số yêu cầu giải cứu trong năm nay là 61 trường hợp, tăng 50% so với năm 2022, trong đó khách du lịch không phải người Nhật chiếm 1/4.
Một quan chức cho biết thêm hầu hết du khách đều không chuẩn bị trước, nên họ bị hạ thân nhiệt hoặc say độ cao.
“Bất cứ người dân Nhật Bản nào cũng muốn leo lên núi Phú Sĩ ít nhất một lần trong đời. Nhưng giờ địa điểm này quá đông đúc. Việc hạn chế có thể là điều chúng tôi phải chấp nhận", nam du khách Jun Shibazaki (62 tuổi) chia sẻ.