Theo nguồn tin của Nikkei, du khách nước ngoài đã mua số lượng lớn iPhone tại một số cửa hàng Apple Store Nhật Bản. Có trường hợp, một người mua hàng trăm thiết bị một lúc, cho thấy cửa hàng có thể đã bỏ sót, không tính thuế một reseller (người chuyên mua đi bán lại).
Chính sách mua sắm miễn thuế của Nhật Bản cho phép các du khách lưu trú dưới 6 tháng mua các mặt hàng như đồ lưu niệm, đồ dùng hàng ngày mà không phải trả 10% thuế tiêu thụ. Song, nó không áp dụng cho các khoản mua sắm với mục đích bán lại.
Apple Nhật Bản được cho là đã nộp tờ khai thuế sửa đổi. Công ty cũng tự nguyện ngừng cung cấp dịch vụ mua sắm miễn thuế vào tháng 6 và xin lỗi người dùng. Theo báo cáo thường niên mới nhất, doanh số thường niên của Apple tại thị trường này là 26 tỷ USD trong năm tài khóa 2022.
Theo Nikkei, vụ việc cũng cho thấy lỗ hổng lớn trong quy định mua sắm miễn thuế của Nhật Bản. Giới hạn mua sắm miễn thuế đối với các hàng hóa như mỹ phẩm, dược phẩm là 500.000 yen nhưng không có mức trần dành cho các mặt hàng như đồ điện tử.
Các cửa hàng chịu trách nhiệm thanh toán các khoản thuế chưa thanh toán đối với bất kỳ giao dịch nào không đáp ứng yêu cầu bị bỏ sót. Từ năm ngoái, cơ quan thuế Tokyo đã thu hơn 100 tỷ yen từ 3 chuỗi cửa hàng thương mại lớn.
Từ năm 2012, Nhật Bản xem du lịch và tiêu dùng trong nước là trọng tâm trong chiến lược tăng trưởng, thông qua mở rộng các chuyến bay và cửa hàng miễn thuế. Tuy nhiên, việc miễn trừ không hợp lý sẽ gây thất thoát tiền bạc mà chính phủ cần để tài trợ cho các chương trình an sinh xã hội.
Trái ngược với hệ thống của Nhật Bản, các nước khác thường yêu cầu du khách kê khai các giao dịch đã mua khi xuất cảnh và hoàn thuế tại thời điểm đó. Dù rườm rà về thủ tục khả năng thất thu thuế thấp hơn.
(Theo Nikkei)