Bộ trưởng Kỹ thuật số Taro Kono xác nhận, chính phủ Nhật Bản chính thức ngừng sử dụng đĩa mềm. Chia sẻ với truyền thông hôm 3/7, ông Kono tuyên bố: “Chúng tôi đã chiến thắng cuộc chiến đĩa mềm vào ngày 28/6”.
Năm 2022, Bộ trưởng Kono cam kết loại bỏ luật yêu cầu phải dùng đĩa mềm và CD-ROM để gửi dữ liệu đến chính phủ. Tuy nhiên, nỗ lực của ông mất thêm 1,5 năm nữa mới thành công. Tính đến vài tuần trước, Cơ quan Kỹ thuật số nước này đã chấm dứt 1.034 quy định quản lý việc sử dụng đĩa mềm và chỉ để lại một, liên quan đến tái chế.
Động thái này đánh dấu cột mốc quan trọng trong nỗ lực của Nhật Bản nhằm hiện đại hóa các hoạt động cũ kỹ khi máy fax vẫn còn phổ biến ở nhiều cơ quan. Một cuộc khảo sát của tổ chức YouGov (Mỹ) năm 2018 cho thấy 2/3 trẻ em Anh trong độ tuổi 6 đến 18 thậm chí không biết đĩa mềm là gì. Trong video ghi lại phản ứng của trẻ, chúng còn suy đoán rằng đĩa mềm là thứ đến từ bên ngoài trái đất.
Trước khi làm Bộ trưởng Kỹ thuật số, ông Kono từng đứng đầu Bộ Quốc phòng, Bộ ngoại giao cũng như phụ trách việc triển khai vắc xin Covid-19. Ông nhận chức vụ hiện tại vào tháng 8/2022 và hiện có hơn 2,5 triệu người theo dõi trên X.
Cơ quan Kỹ thuật số được thành lập trong đại dịch vào năm 2021 khi quá trình triển khai xét nghiệm và tiêm vắc xin trên toàn quốc bộc lộ điểm yếu, đó là chính phủ vẫn phụ thuộc vào hồ sơ giấy tờ và công nghệ lỗi thời.
Trả lời tờ Mainichi, ông Kono chia sẻ quá trình số hóa đã đạt tiến bộ đáng kể. Họ cần thực hiện các đánh giá cần thiết, bao gồm cả việc sử dụng máy fax.
Dù Nhật Bản là một cường quốc công nghệ cao, các bộ, ban, ngành lại tụt hậu khá xa, phản ánh rõ nhất trong sự lệ thuộc vào những công nghệ mang phong cách thập niên 80. Máy fax dường như sắp chịu chung số phận với đĩa mềm và con dấu cá nhân (hay còn gọi là “hanko”) dùng để thay thế chữ ký trong cả lĩnh vực công và tư nhân.
Tháng 12/2023, các quan chức Bộ Giáo dục đồng ý cấm máy fax trong các trường học và số hóa việc liên lạc từ năm 2026.
(Theo Telegraph, The Register)