Có những niềm trăn trở rất đời, rất người được nữ nhà văn thể hiện trong truyện ký Chạm vào ký ức - tác phẩm mới nhất của mình: “Buổi chiều chạng vạng, mình tranh thủ ra suối tắm. Tìm được một vũng nước nhỏ khuất sau một bụi cây khô, mình tắm vội vàng, không dám trút bỏ quần áo. Mình sợ nhất lúc đang thay đồ lại dính một đợt pháo bầy hay một loạt bom của địch. Buồn cười thật.

Chết không sợ mà lại sợ cái cảnh thân xác bị phơi bày trước mặt mọi người. Lúc này chỉ muốn có một cô bạn gái đồng hành để cùng nhau chia sẻ những khó khăn, rắc rối trong sinh hoạt hàng ngày”. 

z5058724900684-6f959a60126689d204ebb3ed941b7b46-1.jpg

Và những nỗi đau không thể gọi tên: “Sáng nay cậu Vinh, trợ lý chính sách nhờ mình kiểm tra, sắp xếp di vật của các liệt sĩ hy sinh từ đầu mùa chiến dịch tới nay. Run rẩy cả người trước sự mất mát quá lớn. Mình phải ghi chép lại tỉ mỉ họ tên, tuổi, đơn vị, ngày giờ hy sinh và di vật liệt sĩ để lại. Có gì đâu ngoài mấy cuốn sổ ghi chép, thư từ, ảnh người thân, bút máy, bật lửa, có người còn giữ được mấy đồng tiền Bắc làm kỷ niệm… Gia tài người lính chỉ có vậy. Đọc những dòng ghi chép vội vã giữa hai trận đánh; những trang thư chưa kịp gửi cho mẹ, cho vợ con của họ mà mình không sao cầm được nước mắt”.

Ngay từ khi bước chân vào đại học, Thục luôn coi mình là cánh buồm cô đơn trước sóng gió. Cuộc sống có khi êm đềm, khi ồn ào bão tố nhưng trong cuộc hành trình đã qua và sắp tới, cô gái luôn vững vàng tiến về phía trước…

Theo chân nữ phóng viên chiến trường gan dạ, độc giả được hiểu rõ hơn về cuộc chiến sinh tử của quân và dân Việt Nam. Từ chiếc ba lô hơn 40 kg oằn lưng cô gái trẻ trên đường hành quân, những cơn sốt rét rừng mà đắp hàng chục chiếc chăn vẫn thấy từng tế bào tê buốt rời rã, những cái chết của đồng đội ngay trên tay mình khi lời động viên nhau vừa cất lên trong tích tắc…

Chính cô nhà báo người Hà Nội nhỏ bé đó đã đích thân cầm khẩu AK chạy giữa trận địa bom rơi đạn nổ với quyết tâm đánh địch bằng tất cả khả năng của mình. Và chính cô miệt mài đào hầm, dựng lán, làm rẫy, đi gùi gạo  dưới những trận phục kích bất ngờ của đối phương… Cô gái nổi tiếng bướng bỉnh và can đảm đã sống những ngày kỳ lạ ấy và không hề có chút đề phòng nguy hiểm có thể dội xuống bất kỳ.

Không cường điệu hóa các chi tiết, không gồng mình xây dựng những hình tượng xa rời thực tế, không sa đà kể lể chiến công, không tránh né tổn thất… tập truyện ký Chạm vào ký ức tựa như một cuốn nhật ký chiến trường chân thực, là kết tinh bao nỗi suy tư dồn nén và sự tâm huyết của người viết.

Nhà văn Vũ Thị Hồng tâm sự: “May mắn được trở về bình an sau cuộc chiến nên tôi viết cuốn truyện ký này như để trả nợ cuộc đời, trả nợ những đồng đội đã anh dũng hy sinh, trả nợ đồng bào thân thương đã đùm bọc che chở cho chúng tôi vượt qua những giây phút sinh tử”.

vu thi hong1 1340.jpg
Nhà văn Vũ Thị Hồng. (Ảnh: Phạm Hải)

Nhà văn Lê Minh Khuê - một người bạn thân thiết của tác giả đã bày tỏ: “Thời đó, hàng trăm nữ trí thức miền Bắc đã đeo ba lô vượt Trường Sơn. Những người phụ nữ được đào tạo bài bản ở các trường đại học, các học viện, các trung tâm dạy nghề. Những bác sĩ, giáo viên, nhà báo, chuyên gia ngành tài chính, kỹ sư, kỹ thuật viên... đã vô tư hòa vào dòng chảy chung của thanh niên đang xuôi về phía Nam. Người có con nhỏ, người mới cưới, người chưa yêu, người dang dở bao nhiêu chuyện gia đình... đã gác lại tất cả. 

Không ai tính xem có gì đang chờ mình phía trước. Bom đạn thì đã đành. Nhưng còn bệnh tật, còn bao nhiêu trúc trắc hàng ngày mà phụ nữ gặp trong sức khỏe, tâm lý... Ai cũng biết là có những điều đó. Nhưng đã đi thì phải đi đến cùng. Dù cho không thể đoán được bao giờ thì kết thúc chiến tranh để có thể trở về nhà.  Họ - ngày ấy, thực sự là những người phụ nữ can trường. 

Dùng chữ can trường là đúng với họ. Và rất đúng với cô bạn của tôi - Vũ Thị Hồng, người sau bao nhiêu năm mới viết những dòng chữ về mình, kể chút xíu những chuyện đã xảy ra, đã trải qua, có hạnh phúc, có đắng cay, có tiếc nuối và thực sự chỉ là... chạm vào ký ức”.

Nhà văn Vũ Thị Hồng

Đại tá, nhà văn Vũ Thị Hồng (bí danh Nguyễn Thị Bắc Hà) sinh năm 1950, nguyên là phóng viên tạp chí Văn nghệ quân giải phóng Trung Trung Bộ, biên tập viên Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, nguyên Trưởng ban Công tác Phụ nữ Quân đội… Bà là vợ nhà văn Chu Lai và có một tuyển tập truyện ngắn chung với ông xuất bản năm 1996.