iOS và Android là hai hệ điều hành thống trị tại Nhật Bản. (Ảnh: Reuters) |
Theo Tổng Thư ký Ủy ban Thương mại Công bằng Nhật Bản Suichi Sugahisa, cơ quan sẽ phỏng vấn, khảo sát các đơn vị vận hành hệ điều hành, nhà phát triển và người dùng smartphone. Họ không chỉ nghiên cứu các điều kiện thị trường dành cho smartphone mà còn cho smartwatch và những thiết bị đeo khác.
Cơ quan chống độc quyền sẽ tổng hợp một báo cáo, nêu lên cơ cấu thị trường hệ điều hành và lý do vì sao cạnh tranh vẫn không có chuyển biến. Ủy ban sẽ làm việc với Hội đồng Cạnh tranh Thị trường Kỹ thuật số của chính phủ.
Báo cáo cũng điểm mặt các hành vi phản cạnh tranh hoặc có tiềm năng vi phạm luật chống độc quyền.
Vào tháng 2, chính phủ Nhật thi hành Đạo luật Cải thiện minh bạch và công bằng của các nền tảng kỹ thuật số. Nếu quan chức quyết định áp dụng luật cho thị trường hệ điều hành, các đơn vị vận hành phải nộp báo cáo giao dịch thường xuyên cho Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp.
Tại Nhật Bản, hệ điều hành iOS của Apple chiếm gần 70% thị phần, còn thị phần Android là 30%. Bất kỳ nhà phát triển ứng dụng nào – dù trong lĩnh vực âm nhạc, streaming, sách điện tử hay game di động – đều cần khớp phần mềm với thông số hệ điều hành nếu muốn chúng có mặt trên smartphone.
Google bị cáo buộc yêu cầu các nhà sản xuất thiết bị phải cài sẵn ứng dụng tìm kiếm của hãng để được sử dụng Android. Người dùng thiết bị Android không thể dùng những ứng dụng tìm kiếm khác.
Ủy ban Thương mại Công bằng Nhật Bản sẽ điều tra liệu Apple và Google có dùng vị thế thị trường để chèn ép ứng dụng và đặt người dùng vào bất lợi không.
Các cơ quan cạnh tranh khắp thế giới đang nỗ lực dỡ bỏ hạn chế mà những “ông lớn” công nghệ áp đặt lên người dùng và nhà phát triển.
Chẳng hạn, tại Mỹ, Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) đệ trình báo cáo lên Quốc hội vào tháng 5, nhấn mạnh các nhà sản xuất thiết bị di động sử dụng linh kiện và keo dính không có sẵn cho người dùng và các bên sửa chữa thứ ba, đi ngược với quy định về quyền được sửa chữa. FTC đã mở cuộc điều tra độc quyền vào tháng 7.
Trong khi đó, Bộ Tư pháp Mỹ kiện Google độc quyền vào tháng 10/2020 vì các hành vi phản cạnh tranh trên thị trường công cụ tìm kiếm. Theo đơn kiện, Google trả cho Apple tối đa 12 tỷ USD mỗi năm để được trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên trình duyệt Safari. Bọ Tư pháp cũng đặt câu hỏi về việc Google ưu tiên ứng dụng riêng trên hệ điều hành Android.
Liên minh Châu Âu trước đây phạt Google vì “đóng băng” đối thủ. Năm 2018, Ủy ban Châu Âu phạt hãng này 4,3 tỷ EUR vì ép các nhà sản xuất cài sẵn ứng dụng Google cùng với hệ điều hành Android.
Ủy ban Thương mại Công bằng Nhật Bản bắt đầu giám sát lĩnh vực công nghệ từ năm 2019. Đây sẽ là vụ điều tra thứ tư sau các cuộc điều tra về thị trường thương mại điện tử và chợ ứng dụng, quảng cáo kỹ thuật số và dịch vụ đám mây.
Du Lam (Theo Nikkei)
Facebook trong tâm bão
Sau bê bối Cambridge Analytica, Facebook lại đối mặt với một khủng hoảng khác, gây ảnh hưởng lớn đến uy tín của mạng xã hội này.