Không phải là hồ nước tự nhiên, Tà Đùng thuộc Dự án Thủy điện Đồng Nai đang hoạt động, nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng (xã Đắk Som, huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông). Hồ Tà Đùng có hơn 40 đảo lớn nhỏ; mặt hồ xanh biếc hòa quyện với núi non, mây trời tạo nên bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp.
Du khách tìm đến Tà Đùng bởi yêu thích sự hoang sơ, yên bình, có non xanh nước biếc, mây trôi bảng lảng, tha hồ hòa mình với thiên nhiên, với tiếng chim kêu, vượn hót.
Xây dựng trái phép
Tuy nhiên, giờ đây nằm giữa tiên cảnh Tà Đùng là 2 cụm công trình bê tông đồ sộ đủ màu sắc ở thôn 3, xã Đắk Som của Cty TNHH Tà Đùng Topview và Cty TNHH MTV Du lịch Tà Đùng.
Cụm công trình của Cty TNHH Tà Đùng Topview được người dân bản địa quen gọi là “Nhà chú Đông”, do một người đàn ông tên Đông quản lý chính. Trong vai khách du lịch, phóng viên liên hệ đặt phòng nghỉ qua đêm và được quản lý nơi này cho biết, công ty có 60 phòng phục vụ khách; giá cao nhất 2 triệu đồng/đêm.
"Nhà chú Đông" chưa được cấp phép hoạt động du lịch |
Theo quan sát của phóng viên Tiền Phong, tại khu lưu trú này, ngoài các homestay (nhà ở cho thuê), khách sạn 3 tầng, chủ đầu tư còn xây dựng bể bơi, nhiều tiểu cảnh khác như bậc thang lên trời thô kệch, bồn tắm nhỏ... Trong khách sạn 3 tầng cũng như ngoài khu tiểu cảnh, lúc nào cũng nhộn nhịp các đôi nam thanh nữ tú mải mê chụp ảnh.
Cạnh đó, Cty TNHH MTV du lịch Tà Đùng kinh doanh 17 phòng và nhiều dịch vụ du lịch, tham quan, chụp ảnh cưới… Công ty này còn xây một chiếc cầu kính đồ sộ, nhiều tiểu cảnh bằng bê tông cốt thép để giới trẻ chụp ảnh. Cả hai cụm công trình này đều có hàng rào bê tông kiên cố, cổng chào nhiều màu sắc, nhưng thiếu tính thẩm mỹ.
Theo phản ảnh của người dân địa phương, 2 công trình này bắt đầu đón khách du lịch từ cuối năm 2019. Năm 2020, một phần do ảnh hưởng dịch COVID-19, phần bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt nên phải đến cuối năm 2020, nơi đây mới bắt đầu đông khách. Từ đầu năm 2021 đến nay, 2 địa điểm này luôn tấp nập du khách tới Tà Đùng.
Nhiều cá nhân cũng xây dựng nhà ở, khách sạn tại Tà Đùng để ăn theo. Công trình Tuệ Uyển Tà Đùng (cách UBND xã Đắk Som hơn 1km) xây dựng trái phép hàng loạt phòng lưu trú, nhưng khi phóng viên Tiền Phong hỏi, lãnh đạo xã này tỏ ra không biết, nói rằng sẽ cho kiểm tra sau. Đất đai ở Đắk Som vì thế cũng được các “cò” thổi giá vô tội vạ. Có lô đất nông nghiệp, đất rẫy giá thông thường chỉ vài trăm triệu đồng, nhưng đã được người môi giới “hét” lên vài tỷ đến vài chục tỷ đồng.
Chính quyền xã bất lực?
Trước thực trạng xây dựng trái phép ngày càng phức tạp, lãnh đạo UBND xã Đắk Som đã nhiều lần ra quyết định cưỡng chế, xử phạt nhưng chưa thể xử lý dứt điểm. “Địa bàn rộng, công chức địa chính - xây dựng - môi trường của xã chỉ có 1 người, phần lớn thời gian phải xử lý hành chính ở cơ quan, việc kiểm tra vi phạm cũng hạn chế”, một báo cáo của ông Phan Đình Mạo, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Som, gửi UBND huyện Đắk G’long và UBND tỉnh Đắk Nông trong năm 2020 nêu.
“Nói rất dễ, nhưng khi vào làm đụng chạm rất nhiều. Sai phạm ở đây, lỗi của chính quyền các cấp”, ông Mạo nói với phóng viên Tiền Phong. Theo ông Mạo, UBND tỉnh Đắk Nông đã phê duyệt quy hoạch Khu du lịch sinh thái - văn hóa Tà Đùng (năm 2014-PV), song về đất đai, chưa có sự điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với phát triển du lịch của địa phương.
Công trình Tuệ Uyển Tà Đùng xây dựng trái phép |
Theo vị lãnh đạo xã Đắk Som, 2 công trình của Cty TNHH Tà Đùng Topview và Cty TNHH MTV Du lịch Tà Đùng sai phạm rõ ràng về xây dựng, hoạt động du lịch, nhưng UBND xã chỉ có thể xử phạt vi phạm hành chính vài triệu đồng với mỗi doanh nghiệp, không thể cưỡng chế. UBND xã Đắk Som liên tục ra báo cáo về khó khăn, vướng mắc liên quan công tác cưỡng chế gửi cấp huyện, tỉnh.
Ông Bùi Ngọc Tân, Chủ tịch UBND xã Đắk Som, cho biết, trong báo cáo mới nhất gửi lên lãnh đạo huyện và tỉnh, xã nêu rõ rằng, ảnh hưởng của quy hoạch khu du lịch sinh thái văn hóa Tà Đùng, giá đất tăng đột ngột, thu hút các nhà đầu tư vào địa phương xây dựng phát triển du lịch. Do đó, xuất hiện ngày càng nhiều công trình xây dựng trái phép trên địa bàn xã.
“Một số tổ chức, cá nhân dựng nhà trên đất nông nghiệp để ở và phục vụ sản xuất nông nghiệp, đã bị xử phạt hành chính và đưa vào cưỡng chế. Tuy nhiên, khi đối thoại với dân trước lúc cưỡng chế, chính quyền xã lại gặp sự phản đối quyết liệt của người dân và họ cho rằng UBND xử lý không công bằng. Lý do được người dân đưa ra là trước đây ở địa phương, việc xây nhà trên nương rẫy không bị xử lý, nay lại áp dụng với các trường hợp dựng nhà và xây nhà trên đất nông nghiệp, đặc biệt ở khu du lịch sinh thái - văn hóa Tà Đùng”, ông Tân nói.
Trong công văn gửi lên UBND huyện, UBND tỉnh, các “quan” xã Đắk Som nhiệm kỳ trước (ông Bùi Ngọc Tân mới về nhận nhiệm vụ ở xã này đầu năm 2021-PV) tham mưu xử phạt có sự sai sót cả về nội dung và hình thức, nên không đảm bảo cơ sở pháp lý để cưỡng chế các công trình sai phạm, ông Tân nói. |
(Theo Tiền Phong)