Zing dịch bài viết của tác giả Choe Sang-Hun đăng trên New York Times về tình trạng bắt nạt trực tuyến tại Hàn Quốc lợi dụng thông tin bệnh nhân nhiễm Covid-19 được chính phủ công bố.
Vào tháng 2, Kim Ji-seon, nhân viên văn phòng 29 tuổi chuyển đến căn chung cư nằm ven biển. Cô lên kế hoạch làm đám cưới vào tháng 6, cùng giáo hội tổ chức một chương trình cho giới trẻ.
Tuy nhiên, Kim có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Sau khi thông tin ca bệnh được chính phủ công bố, đời tư của cô trở thành đề tài cho dân mạng soi mói. Nguyên nhân đến từ hệ thống truy vết điện tử của Hàn Quốc đối với các ca nhiễm virus.
Kim Ji-seon (trái) và chồng Kim Chang-yeon trong một nhà thờ tại Busan (Hàn Quốc). Cô Kim đã trở thành nạn nhân của bắt nạt trên mạng sau khi được chẩn đoán mắc Covid-19. Ảnh: New York Times. |
Dính vào tin đồn thất thiệt
Nhà chức trách Hàn Quốc đã công khai tuổi, giới tính, các địa điểm mà Kim ghé thăm trước khi phát hiện dương tính với Covid-19. Từ các thông tin trên, hàng loạt bình luận trên mạng nói rằng Kim thuộc một giáo phái tôn giáo, thậm chí liên kết lịch trình với một người nhiễm Covid-19 khác, nói rằng cô đang ngoại tình và lừa dối chồng.
“Tôi rất ngạc nhiên. Sao họ có thể chế giễu những người đang cố gắng để sống chứ?” Kim chia sẻ.
Chính phủ trên khắp thế giới đã đối mặt với tình trạng xuất hiện thông tin sai lệch về Covid-19. Tại Hàn Quốc, cuộc chiến ấy còn đặc biệt hơn.
Việc Hàn Quốc kiểm soát dịch hiệu quả phần lớn nhờ vào hệ thống truy vết, tìm ra người nhiễm virus bằng camera giám sát, dữ liệu từ smartphone và lịch sử thanh toán thẻ tín dụng. Tuy nhiên, chúng lại là miếng mồi cho những kẻ chuyên bắt nạt trên mạng.
“Tôi không nghĩ điều này phản ánh sự thiếu tôn trọng quyền riêng tư tại Hàn Quốc. Trong bối cảnh đại dịch, mọi người nghĩ rằng họ sẵn sàng hy sinh quyền riêng tư vì sức khỏe cộng đồng”, Park Kyung-sin, Giáo sư Trường Luật Đại học Hàn Quốc cho biết.
Tuy nhiên, thông tin ấy đã được sử dụng bởi kẻ xấu, và những người như Kim là nạn nhân. Trên Internet, những kẻ bắt nạt gán cho Kim tên “báo sư tử”, cho rằng cô đã bán dâm với người trẻ tuổi hơn. Một số bình luận còn nói nếu Kim mang thai, hãy cho đứa trẻ xét nghiệm ADN.
Sau khi xuất viện, Kim đã nộp đơn lên một trang tin điện tử yêu cầu xóa bài viết sai sự thật. Tuy nhiên cô đã bỏ cuộc vì quá nhiều trang đăng lại chúng.
Hiệu quả chống dịch của Hàn Quốc chủ yếu đến từ hệ thống camera giám sát, dữ liệu smartphone và lịch sử giao dịch thẻ tín dụng. Ảnh: New York Times. |
Lý do khiến nhiều sao Hàn tự tử
Cuộc chiến chống dịch Covid-19 đã dấy lên lo ngại về quyền riêng tư. Chính phủ Italy, Israel và Singapore đã sử dụng dữ liệu thu thập từ smartphone để truy vết các ca nhiễm và tiếp xúc gần, trong khi Trung Quốc cũng sử dụng app trên smartphone để giám sát người có nguy cơ nhiễm virus.
Hàn Quốc, đất nước có tỉ lệ sử dụng smartphone thuộc hàng top trên thế giới, còn áp dụng hệ thống ấy chặt chẽ hơn. Ngoài việc công khai một số thông tin cá nhân, chính quyền đôi khi gửi thông tin ấy đến những người có khả năng tiếp xúc dựa trên dữ liệu di động. Theo Giáo sư Park, Hàn Quốc là quốc gia duy nhất ngoài Trung Quốc mà chính phủ có quyền thu thập các dữ liệu như vậy nếu muốn.
Trong thời gian đầu bùng phát dịch, các website chính phủ còn đăng tải lịch trình chi tiết của bệnh nhân. Dù không tiết lộ tên bệnh nhân, chính phủ đôi khi lại công bố địa chỉ và nơi làm việc.
Lượng dữ liệu cá nhân ấy đã tạo ra nền văn hóa bắt nạt trực tuyến ngày càng tăng tại Hàn Quốc. Còn gọi là doxxing (đào bới và công bố thông tin cá nhân nhạy cảm), những hành động ấy đã khiến nhiều sao K-pop tự tử trong thời gian qua.
Một nhà hàng có bệnh nhân Covid-19 ghé ăn từng bị xem là tội đồ. Một bệnh nhân nữ thường đến tiệm karaoke bị dân mạng cho là gái mại dâm. Trong khi đó, những cặp đồng tính chưa muốn công khai đã yêu cầu chính phủ giữ kín tên sau khi dịch bùng phát từ một quán bar đồng tính tại Seoul hồi tháng 5.
Kim Dong-hyun, người bị đồn là có quan hệ bất chính với cô Kim. Ảnh: New York Times. |
Nửa năm trôi qua, tin đồn vô căn cứ liên quan đến Kim Ji-seon và giáo hội của cô vẫn xuất hiện. Kim Dong-hyun, giáo dân bị cho là có quan hệ bất chính với Kim, cho biết đã bị bạn gái tra hỏi về “người đàn ông vô đạo đức nổi tiếng” trong nhà thờ.
“Thật ngạc nhiên khi những tin đồn này còn dai dẳng đến thế. Tôi từng không hiểu tại sao những ngôi sao giải trí tự kết liễu cuộc đời vì bắt nạt trên mạng. Giờ thì tôi hiểu rồi”, Kim Dong-hyun chia sẻ.
Khi mọi thứ ngày càng nghiêm trọng, chính phủ đã có những điều chỉnh về thông tin được tiết lộ, giấu đi tuổi, giới tính, quốc tịch và nơi làm việc của bệnh nhân. Các địa điểm mà bệnh nhân ghé cũng không được công khai nếu toàn bộ người từng đến đó được xác định. Ngoài ra, thông tin công khai cũng được xóa sau 2 tuần.
Khi virus bùng phát gần đây, nhà chức trách đã ngăn chặn việc phát tán thông tin sai lệch. Họ đã thẩm vấn 202 người, trong đó có một người đàn ông từng rêu rao trên YouTube rằng chính phủ Hàn Quốc thao túng kết quả xét nghiệm. 6 người khác tung tin rằng một bệnh nhân nam từng đến thăm nhiều nơi tại phía nam Seoul, nhưng thực chất là không có.
Tất nhiên, nhà chức trách vẫn phải đảm bảo cân bằng giữa quyền riêng tư và sức khỏe. Họ đã yêu cầu công tố viên truy tố 13 người với cáo buộc cung cấp thông tin sai lệch về những địa điểm từng lui tới trước khi dương tính với Covid-19.
Khách sạn tại Busan, nơi ở của nhiều thành viên giáo hội trước khi được chẩn đoán dương tính với Covid-19. Ảnh: New York Times. |
Bỏ mặc tin đồn
Theo nghiên cứu của Đại học Y tế Công cộng thuộc Đại học Quốc gia Seoul, nhiều bệnh nhân Hàn Quốc sợ bị kỳ thị vì mắc bệnh hơn là những tác hại mà virus ảnh hưởng lên cơ thể.
Ngay cả Kim Dong-hyun và bạn bè của anh cũng hiểu lý do thông tin phải được thu thập và tiết lộ. Song, họ cũng nói về gánh nặng xã hội mà người nhiễm bệnh phải đối mặt.
Hiện tại, chính phủ đã tạm đóng cửa nơi làm việc của Kim Dong-hyun sau khi anh ta có kết quả dương tính. Mọi đồng nghiệp của Kim cũng phải xét nghiệm, đó là điều khiến anh có cảm giác tội lỗi.
Cả Kim Ji-seon và Kim Dong-hyun là thành viên của Giáo hội Trưởng lão Onchun. Một số người trên mạng đã cáo buộc giáo hội này liên quan đến giáo phái Tân Thiên Địa - vốn đã bị dân Hàn chỉ trích vì gây ra làn sóng lây nhiễm đầu tiên.
32 thành viên dương tính của Onchun đều sống sót. Đối với nhiều người, chiến đấu với Covid-19 là trải nghiệm tôn giáo sâu sắc.
Kim Moon-seok, tài xế đã nghỉ hưu, cho biết các bác sĩ từng dặn vợ ông, Kim Hang-ja, lo liệu hậu sự cho ông. Nhưng khi đang hôn mê, ông nhìn thấy một y tá đang cầu nguyện bên cạnh giường và sau đó nghe giọng nói của Chúa.
Vào tháng 6, Kim Ji-seon và 20 thành viên từng nhiễm bệnh của nhà thờ đã đồng ý hiến huyết tương để giúp chữa trị những bệnh nhân khác. “Đó là hành động thể hiện sự cảm ơn của chúng tôi với đội ngũ y tá tận tụy” Kim Chang-yeon, khi đó là chồng của Kim Ji-seon, nói.
Kim Ji-seon và Kim Chang-yeon kết hôn vào tháng 5. Khách tham gia lễ cưới phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn. Vì dịch bệnh, cặp đôi phải hủy tuần trăng mật ở Thái Lan, ở lại 3 ngày trong một khách sạn tại Hàn Quốc.
Điều đặc biệt trong tiệc cưới là Kim Dong-hyun, chàng trai bị đồn là có quan hệ bất chính với Kim Ji-seon cũng có mặt để chung vui cùng. Điều đó cho thấy tin đồn thất thiệt không ảnh hưởng đến tình bạn của họ.
(Theo Zing)
Nữ đô vật chết vì lời bình luận trên Internet
Cái chết của nữ đô vật người Nhật hồi tháng 5 là lời cảnh báo về tác hại của tình trạng bắt nạt trên mạng (cyberbullying).