Tại Hội thảo Đề xuất xây dựng phạm vi quyền lợi Bảo hiểm y tế do Bộ Y tế tổ chức ngày 8/9, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quốc Huy - Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Huế, cho biết về gánh nặng bệnh tật cũng như kinh nghiệm quốc tế ưu tiên chính sách đến ung thư cổ tử cung.
Theo Giáo sư Huy, ung thư cổ tử cung là căn bệnh ung thư phổ biến ở nữ giới. Trên thế giới, mỗi năm có 604.000 ca mắc mới, khoảng 342.000 ca tử vong vì bệnh này. Tại Việt Nam, số người mắc ung thư cổ tử cung cũng rất cao khoảng hơn 4.100 ca vào năm 2020. Trong đó virus Human papilloma virus (HPV) được phát hiện trên 99,8% số ca ung thư cổ tử cung.
Virus HPV là virus gây u nhú ở người có hàng trăm loại khác nhau. Người phụ nữ nhiễm virus này khi có quan hệ tình dục. Theo tính toán, vào năm 50 tuổi, có tới 4/5 số phụ nữ từng phơi nhiễm với virus HPV.
Ung thư cổ tử cung hoàn toàn có thể sàng lọc sớm từ giai đoạn tiền ung thư. Giáo sư Huy có biết có 3 cách sàng lọc ung thư cổ tử cung mang lại hiệu quả rất cao.
Thứ nhất, xét nghiệm Pap, đây là xét nghiệm tế bào cổ tử cung truyền thống, độ nhạy lên tới 79,1%, độ đặc hiệu 78,8%. Người bệnh sẽ được sàng lọc qua lấy tế bào ở cổ tử cung và soi trên phiến đồ tìm tế bào lạ.
Thứ hai, soi cổ tử cung trực tiếp sau khi thoa axit axetic. Nếu cổ tử cung xuất hiện các mảng trắng cảnh báo tiền ung thư. Phương pháp này vẫn được sử dụng ở các tuyến y tế cơ sở.
Thứ ba, xét nghiệm DNA của virus HPV, lấy mẫu từ cổ tử cung và mang đi xét nghiệm PCR để đánh giá virus HPV ở tuýp nào, nguy cơ ung thư hóa… độ nhạy là 96,1%.
Trong ba phương pháp trên, giáo sư Huy cho biết phương pháp thứ ba mang lại nhiều ưu việt. Hiện nay, sau đại dịch Covid-19, trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh đều có thể thực hiện xét nghiệm này cho người dân.
Việc sàng lọc ung thư cổ tử cung được khuyến cáo cụ thể cho từng đối tượng. Người phụ nữ cần làm xét nghiệm virus HPV bắt đầu từ năm 30 tuổi, khoảng cách sàng lọc từ 5 đến 10 năm nếu âm tính. Đối với phụ nữ có HIV, thời gian xét nghiệm sàng lọc từ năm 25 tuổi, khoảng cách sàng lọc 3 đến 5 năm.
Từ khi nhiễm virus HPV đến khi có thể gây tổn thương tiền ung thư từ 5 đến 10 năm. Nếu phụ nữ có quan hệ tình dục sớm có thể sàng lọc sớm hơn.
Theo Giáo sư Huy, ung thư cổ tử cung hiện nay là vấn đề y tế công cộng toàn cầu và quốc gia nhưng có thể loại trừ khỏi cộng đồng. Để đạt được mục tiêu trên cần 3 mức dự phòng:
Dự phòng mức 1: Tiêm phòng vắc xin HPV cho tất cả trẻ em gái và phụ nữ trong độ tuổi khuyến cáo.
Dự phòng mức 2: Sàng lọc sớm ung thư cổ tử cung. Người bệnh có thể điều trị với chi phí rẻ, không ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe và bảo tồn được chức năng sinh sản.
Dự phòng mức 3: Điều trị tốt nâng cao năng lực các tuyến y tế.
Theo Giáo sư Huy, chúng ta cần triển khai hệ thống ghi nhận sàng lọc ung thư cổ tử cung tích hợp, cần khuyến nghị sàng lọc qua gói dịch vụ chăm sóc bà mẹ trẻ em, qua cơ quan Bảo hiểm y tế.