Ngay lúc này, một nhiếp ảnh gia gây tranh cãi có tên Eduardo Martins có thể đang lái chiếc xe van của mình ngao du đâu đó tại vùng hẻo lánh Australia.
Người ta không còn thấy bất cứ tác phẩm nào của anh ta xuất hiện trên Instagram. Người này đang ẩn náu, sau khi thực hiện công việc được xem là táo bạo nhất trong lịch sử ngành nghiếp ảnh thế giới, theo Petapixel.
Martins là một nhiếp ảnh gia tư liệu điển trai đến từ Brazil. Anh này từng giành chiến thắng trong cuộc chiến với bệnh leukemia (bạch cầu ác tính) khi còn nhỏ và từng làm việc cho Liên Hợp Quốc.
Có mặt tại những nơi đầy rẫy sự chết chóc và tuyệt vọng tạo cơ hội cho anh chụp những bức ảnh để đời, đăng trên tải khoản Instagram. Một số bức ảnh của anh cũng được gửi đến các đại lý nổi tiếng như NurPhoto để bán.
Những bức ảnh không chỉ đem đến cho Martins lượng fan hùng hậu, lên đến hơn 120.000 người trên Instagram mà còn khiến các tờ báo hàng đầu thế giới động lòng. Từ những ấn phẩm nhỏ như SothFront cho đến các ông lớn như Wall Street Journal, Le Monde hay The Telegraph, các bài viết đều được minh họa bởi thứ mà mọi người nghĩ là tác phẩm của Martins.
Tất nhiên, Martin mất không ít thời gian để khiến giới truyền thông quan tâm đến mình. Tháng 10/2016, tạp chí Recount cho đăng một bài phỏng vấn với anh này.
Trang VICE phiên bản tiếng Brazil cũng cho đăng bài bài phóng sự ảnh với tiêu đề “trên mặt trận với Peshmerga”, sử dụng ảnh và câu chuyện của Martins. Hồi đầu tháng 7, BBC Brazil cũng để ý đến công việc của Martins.
Nếu như không có một vài sai lầm nhỏ của Martin và sự tinh tường của nhà báo Natasha Ribeiro từ BBC, cuộc sống đầy hứng khởi và sự nghiệp nhiếp ảnh của anh này vẫn tiếp tục lên như diều gặp gió.
Ribeiro bắt đầu nghi ngờ Martin sau khi biết về cuộc đời và công việc của anh này. Cô càng nghi ngờ sâu sắc hơn khi tìm hiểu kỹ và không thể gặp bất cứ ai từng tiếp xúc với Martin tại những nơi anh này được cho là đã đến.
Không một nhà báo người Brazil nào tại Iraq nói từng gặp anh, mặc dù đây là nơi Martins thường xuyên tung những tấm ảnh để đời.
Không một cơ quan chức năng nào nói từng được Martins liên hệ. Cũng không một thành viên của tổ chức phi chính phủ nào khẳng định sự tồn tại của anh, mặc dù anh nói thuộc về tổ chức này hay kia.
Martins cung cấp cho VICE hình ảnh, câu chuyện về trận đánh tại Peshmerga nhưng 2 phóng viên Brazil khác ở đó nói họ chưa bao giờ gặp nhiếp ảnh gia mới nổi này – một điều gần như không thể tin được với cộng đồng nhiếp ảnh chiến trường.
Martins nói chuyện với BBC Brazil thông qua WhatsApp rằng anh làm việc cho Liên Hợp Quốc: “tôi là một thiện nguyện viên nhân đạo của Liên Hợp Quốc và tôi làm việc tại các trại tị nạn”. Tuy nhiên, không có hồ sơ nào khẳng định Martins từng làm việc cho Liên Hợp Quốc, người phụ trách báo chí của tổ chức này xác nhận với BBC.
Gần đây, trung tâm triển lãm nổi tiếng tại Sao Paolo là DOC Galeria có ý định trưng bày tác phẩm của Martins với chủ đề về các vùng xung đột. Họ đã liên lạc với Martins, khi đó nói anh đang ở Iraq. “Anh ta đã biến mất hơn một tuần”, Fernando Costa Netto – đại diện của DOC Galeria nói.
“Tôi nghĩ anh ta bị IS bắt cóc và liên hệ với các đồng nghiệp người Brazil khác ở Iraq. Khi chúng tôi bắt đầu tìm kiếm thì anh ta lại xuất hiện và nói gặp chút vấn đề với kết nối Internet”.
Sau khi biết được BBC vào cuộc điều tra, Netto đã bày tỏ sự nghi ngờ với Martins về các tác phẩm của anh. Anh này lập tức xóa tài khoản Instagram của mình và gửi một thông báo trên WhatsApp với nội dung: “Tôi ở Australia. Tôi quyết định dành một năm để chạy xe vòng quanh thế giới. Tôi sẽ ngắt mọi kết nối, kể cả Internet, IG (Instagram). Cảm ơn, tôi sẽ xóa các ứng dụng ở đây”.
Danh tính thực sự của người đàn ông trẻ tuổi tự xưng là nhiếp ảnh gia chiến tranh có thể sẽ không bao giờ được tiết lộ.
Tuy nhiên, BBC Brazil vừa công bố kết quả điều tra, cùng với đó là tin tức, hình ảnh của những người bị lừa bởi nhiếp ảnh gia giả mạo này. “Đối mặt với sự nghi ngờ và nguy cơ vi phạm bản quyền, sự thật cần phải được vạch trần. Chúng tôi xin lỗi độc giả vì lỗi lầm này. Đây cũng là bài học để chúng tôi nâng cao yếu tố xác minh thông tin”, BBC Brazil viết.
Ít nhất, một số bức ảnh của Martin đã đánh cắp của nhiếp ảnh gia người Mỹ Daniel C. Britt. Không chỉ đánh cắp, anh này còn cố tình xoay và cắt ảnh để người ta khó nhận ra hơn khi tìm kiếm.
Một trong những cách khiến Martin thuyết phục các tờ báo có uy tín là sử dụng ấn phẩm trước đây làm “bằng chứng”. Chẳng hạn, khi gửi ảnh cho Wall Street Journal, anh này sẽ gửi kèm câu chuyện và một vài ấn phẩm đã được đăng báo của mình để việc kiểm duyệt được thông qua dễ dàng hơn.
Theo Zing