Xem clip: Nhóm nhiếp ảnh gia chụp ảnh cưới miễn phí cho người khuyết tật
Bồng, bế, cõng “khách hàng”
Trời vừa hửng sáng, anh Trần Khắc Huynh (56 tuổi, ngụ TP.HCM) đã tất tả chuẩn bị máy ảnh, ống kính cùng hàng chục phụ kiện khác để đến phim trường.
Sáng nay, nhóm của anh nhận lời chụp bộ ảnh cưới cho cặp vợ chồng khuyết tật đang sinh sống tại Quận 8, TP.HCM. Đến nơi, thành viên trong nhóm đã tập hợp đông đủ.
Anh Trần Khắc Huynh đến phim trường từ sớm để chuẩn bị buổi chụp ảnh cưới miễn phí cho cặp đôi khuyết tật. |
Anh Huynh nói, những người này đều là thành viên của nhóm Chụp ảnh cưới thiện tâm Charity. “Nhóm gồm những nhiếp ảnh gia, người trang điểm và nhiều tình nguyện viên khác. Mỗi người đều có một nhiệm vụ riêng”, anh Huynh giới thiệu.
Công việc của nhóm là nhận chụp ảnh cưới miễn phí cho những người khuyết tật. Anh Huynh nhấn mạnh: “Người khuyết tật có nhu cầu chụp ảnh cưới, nhóm sẽ miễn phí hoàn toàn từ khâu áo cưới, trang điểm, chụp ảnh, làm album. Thậm chí, họ cũng được đến phim trường chụp ảnh miễn phí”.
Một số thành viên khác trong nhóm nhận nhiệm vụ bơm bong bóng để làm vật trang trí hậu cảnh. |
Anh Huynh nói, Chụp ảnh cưới thiện tâm Charity hoạt động được 4 năm rồi và không nhớ đã chụp ảnh cưới cho bao nhiêu cặp đôi khuyết tật. Anh chỉ nhớ, ý tưởng trên là của một người bạn không hề biết chụp ảnh.
Anh kể: “Anh bạn ấy không phải là thợ ảnh. Nhưng trong một lần tình cờ cầm máy ảnh gia đình đi chơi, anh nghe được câu chuyện một cặp đôi người khuyết tật muốn chụp bộ ảnh cưới. Hai người ngại vào các tiệm ảnh nên cứ dùng dằng mãi. Thấy vậy, anh này đã ngỏ lời chụp ảnh cho họ”.
Chú rể được một thành viên của nhóm chỉnh sửa trang phục trước khi bước vào công đoạn chụp ảnh cưới. |
“Anh bạn này có mối quan hệ rất tốt với các đại gia. Khi nghe anh có ý định chụp ảnh cưới cho người khuyết tật, họ đã rất ủng hộ và hứa sẽ tài trợ các chi phí thuê áo cưới, trang điểm, làm album… cho các cặp đôi. Thấy vậy, anh này đã liên hệ, mời các nhiếp ảnh gia tham gia hoạt động chụp ảnh cưới miễn phí cho người khuyết tật”, anh kể thêm.
Nhận thấy đây là hoạt động thiện nguyện đầy ý nghĩa, anh Huynh tham gia, hỗ trợ người này. Sau đó, anh quyết định tách riêng, thành lập nhóm để nâng cao tính chuyên nghiệp, chủ động về thời gian, giúp được nhiều cặp đôi hơn.
Trong khi đó, cô dâu Nguyễn Thị Nhung cũng đang được một thành viên khác tích cực trang điểm. |
Dẫu biết công việc rất khó khăn và phải hy sinh nhiều nhưng ngay từ những năm đầu thành lập, anh đã được nhiều đồng nghiệp tham gia, hỗ trợ. Anh nhớ, những ngày đầu tiên, anh phải tự tay chở xe lăn, nạng gỗ của người khuyết tật ra công viên để chụp ảnh cho họ.
Thấy “khách hàng” bất tiện trong việc đi lại, anh và đồng nghiệp chở theo phòng thay đồ di động, chuẩn bị nước uống, thức ăn nhanh cho họ sử dụng miễn phí. “Đến khâu chụp ảnh, chúng tôi phải tự tay tạo dáng, đẩy xe lăn, thậm chí bồng bế, cõng cô dâu, chú rể mới có thể bấm máy”, anh Huynh kể thêm.
Trong lúc chờ đợi cô dâu trang điểm, các thợ ảnh đã tranh thủ ghi lại những khoảnh khắc hai cha con chú rể vui đùa cùng nhau. |
Nhận về những giọt nước mắt hạnh phúc
Ngồi đợi một thành viên của Chụp ảnh cưới thiện tâm Charity thắt lại chiếc cà vạt cho mình, anh Mạch Chí Nghĩa (SN 1990, quê tỉnh Kiên Giang) cứ hướng mắt về phía cô vợ đang được trang điểm.
Nghĩa nói, anh chỉ bị tật ở một cánh tay nên vẫn đủ sức làm công nhân. Tuy nhiên, vợ anh, chị Nguyễn Thị Nhung (SN 1992, quê tỉnh Nghệ An) lại bại liệt cả 2 chân, chỉ có thể di chuyển bằng xe lăn để bán vé số mưu sinh.
Các thành viên của nhóm Chụp ảnh cưới thiện tâm Charity hỗ trợ đưa cô dâu đến điểm chụp ảnh. |
Cả hai quen biết nhau qua mạng xã hội rồi yêu nhau lúc nào không hay. Được sự đồng ý của gia đình đôi bên, cặp đôi đã hoàn tất thủ tục đăng ký kết hôn và về chung sống với nhau tại một nhà trọ ở Quận 8, TP.HCM.
Tuy nhiên, vì điều kiện kinh tế và đại dịch, dù đã có với nhau cậu con trai một tuổi, Nghĩa và vợ vẫn chưa thể tổ chức đám cưới hay chụp ảnh cưới. “Ít hôm trước, Nhung biết đến nhóm chụp ảnh của anh Huynh nên rủ tôi đi chụp ảnh cưới. Tôi vui quá và đồng ý ngay”, Nghĩa kể.
Hỗ trợ tạo dáng cho chú rể, cô dâu trước khi bấm máy. |
Nghĩa định đẩy xe lăn đưa vợ đến điểm chụp ảnh nhưng anh Nguyễn Văn Sơn (58 tuổi), thành viên của nhóm Chụp ảnh cưới thiện tâm Charity ngăn lại. Anh nói: “Hôm nay, Nghĩa chỉ việc làm chú rể cho tốt thôi, mọi việc khác đã có anh, chị em trong nhóm lo”.
Sau gần 1 giờ đồng hồ trang điểm, Nhung xuất hiện rạng rỡ, xinh tươi trong bộ váy cưới trắng muốt. Thấy vợ xinh đẹp vượt quá ngày thường, Nghĩa không giấu nổi vẻ mặt hạnh phúc. Anh chạy đến hỗ trợ cô gái đưa đôi chân lên chiếc xe lăn, sửa lại chân váy cho vợ.
Đồng loạt bấm máy… |
Nói xong, anh cùng các thành viên khác người che ô, người đẩy xe lăn chở Nhung đến điểm chụp ảnh. Tại đây, các nhiếp ảnh gia nhiệt tình hướng dẫn đôi bạn trẻ tạo dáng, biểu lộ cảm xúc để có được những khung hình ấn tượng nhất.
Anh Sơn chia sẻ: “Chụp ảnh cho người khuyết tật khó hơn chụp cho người bình thường. Bởi, đôi khi họ còn cảm giác tự ti, mặc cảm. Những lúc như vậy, chúng tôi phải thật cởi mở, giúp họ xóa tan cảm xúc tiêu cực ấy”.
Anh nói thêm rằng, người khuyết tật đến với nhóm, nhờ nhóm chụp ảnh cưới rất đa dạng. Có người khuyết tật nhẹ, có người liệt toàn thân… Thế nên, khi chụp ảnh cho họ, các thợ ảnh phải lựa chọn, suy nghĩ những góc máy, tạo dáng cho họ để họ có được những khung hình đẹp nhất.
…phải leo trèo để có được những khung hình đẹp. |
Bởi, có nhiều đôi không thể tạo dáng, khuôn mặt không thể biểu lộ cảm xúc như người bình thường. Lúc này, người chụp phải là người có óc sáng tạo, nghệ thuật, thậm chí phải nhanh nhạy để phát hiện và bắt được những khoảnh khắc đẹp, tự nhiên hiếm hoi của cô dâu chú rể.
Để làm được việc này, ngoài cùng nhau bồng, bế, cõng cô dâu, chú rể, các thợ ảnh không ngại bò, trườn, thậm chí leo trèo lên ghế, thang để có được góc máy đẹp. Những buổi chụp ảnh như thế tiêu tốn của họ nhiều sức lực. Vậy nên, cuối ngày, ai cũng mệt rã rời.
Nhóm tình nguyện chụp ảnh kỷ niệm cùng cô dâu chú rể. |
Thế nhưng, họ luôn cười và đem đến cho cô dâu, chú rể cảm xúc tích cực nhất để họ đẹp hơn trong mỗi tấm hình. Anh Sơn nói: “Chụp như vậy mệt thật nhưng tôi thấy “sướng lắm”. Chụp về, dù có hôm mệt rã rời nhưng lại thấy mình có thêm động lực sống, thấy ngày hôm ấy mình làm được một công việc thật sự có ý nghĩa”.
Trong khi đó, anh Huynh nói, anh đã được nhận về những giọt nước mắt hạnh phúc cùng nụ cười rạng rỡ của người khuyết tật. “Phút giây tôi đến gửi album ảnh cưới cho họ thực sự là những khoảnh khắc rất xúc động. Cầm cuốn album trên tay, họ nở nụ cười hạnh phúc, có người rưng rưng nước mắt, thậm chí khóc òa”, anh nói thêm.
Bài, ảnh, clip: Nguyễn Sơn
Bộ ảnh cưới của cặp vợ chồng vô gia cư gây sốt
Cặp đôi đã gắn bó bên nhau 24 năm, nhưng họ chưa từng tổ chức hôn lễ, đơn giản bởi họ không có tiền, chỉ có thể lặng lẽ gắn bó bên nhau trong cuộc sống lam lũ.