Từ một phụ nữ lành lặn, mới hạnh phúc đón con trai đầu lòng, giờ đây sản phụ chỉ còn biết gắng gượng sống chờ ngày về với con, khi tứ chi đã bị cắt cụt.
Bác sĩ Ngô Văn Tỵ, Khoa Ung Bướu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vừa tiếp nhận hai ca viêm nhiễm tuyến vú nặng phải phẫu thuật khoét ổ áp xe. Điều đặc biệt, họ đã cai sữa nhiều năm.
Nữ bệnh nhân tên H. (40 tuổi, trú tại Hà Nội) đã cai sữa 2 năm. Trong quá trình nuôi con nhỏ, chị H. ít sữa, chưa bị tắc tia sữa. Ngực bên trái tụt núm nên bé không bú. Gần đây, chị H. thấy ngực sưng to, đỏ, căng bóng, đau kèm ngứa. Khi vào viện, bác sĩ cho biết khối áp xe sắp vỡ cần mổ cấp cứu.
Trường hợp khác là nữ bệnh nhân 27 tuổi, đã cai sữa được hơn 1 năm. Trong quá trình nuôi con, bệnh nhân chỉ cho bú một bên. Từ tháng 8/2022, bên ngực trái có hiện tượng sưng, đỏ, nóng ran. Bác sĩ mổ áp xe vú một lần và gần đây tái phát nên chị vào Bệnh viện Đại học Y khám. Bác sĩ phẫu thuật khoét ổ áp xe và để vết mổ hở một vài ngày, vệ sinh lấy hết các tổ chức mủ sau đó mới khâu lại.
Bác sĩ Tỵ giải thích, áp xe vú là bệnh lý nhiễm trùng thường xuất hiện từ 3-8 tuần sau sinh. Khi cai sữa, tỷ lệ này chỉ chiếm khoảng 10%. Nếu không phẫu thuật, áp xe vú tự vỡ, có thể dẫn đến biến chứng nặng như nhiễm khuẩn huyết, suy thận, suy đa cơ quan, rối loạn đông máu, hoại tử các chi, nguy hiểm đến tính mạng. Vùng bị hoại tử sẽ lan rộng, phải khoét bỏ, mất rất nhiều thời gian để hồi phục, hình thành sẹo xấu, sẹo co rúm sau phẫu thuật.
Nguyên nhân chính dẫn tới áp xe vú do quá trình cho con bú không đúng cách. Để phòng tắc tia sữa dẫn đến áp xe, bác sĩ khuyến cáo người mẹ nên massage nhẹ nhàng, cho con bú sớm ngay sau sinh, bú thường xuyên hai bên. Bà mẹ cần vệ sinh núm vú đúng cách trước và sau khi cho con bú.
Khi có dấu hiệu ngực căng, tắc sữa không thể cho con bú, bà mẹ nên chườm mát hoặc massage ngực để thông sữa trở lại hoặc làm mềm ngực bằng các máy vật lý trị liệu. Trường hợp có vết đỏ, sưng, đau vùng ngực, núm vú bị tụt vào trong hay có dịch mủ chảy ra từ núm vú, sốt, lạnh run... bạn nên đi khám sớm.