Anh Trịnh Minh Ước, một chủ nhà trọ ở xã Cẩm Phúc đã miễn phí tiền thuê nhà tháng 2 cho tất cả công nhân thuê trọ.
Tương tự, gia đình cô Nguyễn Thị Ngân (thôn Quý Dương, xã Tân Trường) miễn phí toàn bộ 18 phòng trọ trong tháng 2, bao gồm cả tiền phòng và tiền điện nước. Mỗi phòng trọ dao động từ 450 - 550 ngàn đồng/tháng. Tổng số tiền nhà hỗ trợ, chia sẻ với công nhân nghèo của mỗi chủ nhà trọ lên tới cả chục triệu đồng.
Bà Ngô Thị Sao (thôn Phú Xá, xã Tân Trường, huyện Cẩm Giàng) có 14 phòng trọ cho thuê với giá 700 ngàn đồng/phòng.
Bà Ngô Thị Sao (thôn Phú Xá, xã tân Trường) giảm tiền thuê nhà cho công nhân nghèo ở Hải Dương mùa dịch |
“Từ sau Tết, tôi đã giảm mỗi phòng 50 ngàn đồng cho công nhân chậm đóng tiền nhà. Dịch dã, phong tỏa, nhà máy đóng cửa không sản xuất, công nhân không đi làm, không có thu nhập, chúng tôi chia sẻ một phần khó khăn với họ”, bà Sao cho biết.
Toàn xã Tân Trường có hơn 3.000 công nhân ngoại tỉnh thuê trọ. Họ làm việc trong KCN Tân Trường, Phúc Điền… trong các công ty may mặc, sản xuất lắp ráp linh kiện điện tử, đinh ốc vít…
Thu nhập trung bình của mỗi công nhân dao động từ 4,5 - 6 triệu đồng/tháng. Nếu tăng ca 12 tiếng/ngày, thu nhập được 8 triệu đồng, đó là mức thu nhập vào loại khá của người lao động tại Cẩm Giàng.
“Với mức thu nhập như thế, công nhân sống rất dè sẻn, tằn tiện. Phần lớn họ gửi về cho gia đình. Sống chung với họ, thấy thương lắm”, bà Sao chia sẻ.
Công nhân thuê ở trong những dãy nhà trọ cấp 4 vì phù hợp với mức thu nhập |
Cao điểm chống Covid-19 tại Cẩm Giàng, các tổ Covid cộng đồng hàng ngày tiếp tế thực phẩm, rau củ quả cho công nhân bị cách ly tại chỗ. Rau củ quả có các huyện Kim Thành, Thanh Miện, Gia Lộc cấp phát miễn phí. Các ban ngành, cộng đồng cùng chung tay hỗ trợ cho công nhân, mỗi phần hỗ trợ 5kg gạo và các đồ thiết yếu khác…
Chị Đinh Thị Niên (SN 1979, công nhân tại nhà máy Sansei) cho biết: “Trong suốt thời gian nghỉ cách ly, cuộc sống của người lao động rất khó khăn. Nếu không có sự chia sẻ của cộng đồng, xã hội, chúng tôi không biết xoay xở thế nào”.
Bên trong một phòng trọ của một công nhân thuê nhà tại xã Tân Trường |
Cẩm Giàng là địa phương tập trung nhiều doanh nghiệp với khoảng 66.000 công nhân. Nhiều công nhân ở tỉnh ngoài và một số huyện ngoài Cẩm Giàng thuê nhà trọ ở Tân Trường, Lai Cách, Cẩm Điền, Lương Điền, Cẩm Vũ, Cẩm Phúc...
Khi nhiều thôn, khu dân cư và một số xã trong huyện thực hiện phong tỏa trong phong tỏa, nhiều công nhân gặp khó khăn do không thể ra ngoài mua lương thực, thực phẩm. Phần lớn công nhân thuê trọ không có tủ lạnh nên không dự trữ được lương thực, tiền mặt để chi phí sinh hoạt cũng hạn chế.
Ngay trong mùa dịch, UBND huyện Cẩm Giàng đã quán triệt xuống các xã với tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau", xác định công nhân, người lao động ngoại tỉnh là đối tượng ưu tiên hàng đầu trong việc hỗ trợ cái ăn, cái ở cho họ trong tâm dịch.
Nhiều công nhân đưa cả vợ con, gia đình xuống nơi ở trọ để đi làm, mưu sinh |
Xã Tân Trường đã tiếp nhận hơn 10 tấn gạo và 30 tấn rau, củ, hàng vạn quả trứng… để hỗ trợ người nghèo, gia đình chính sách, công nhân ngoại tỉnh. Toàn xã có 3.000 công nhân tạm trú trên địa bàn.
Thị trấn Lai Cách có hơn 14.600 nhân khẩu và hơn 2.000 công nhân thuê trọ. Đến nay thị trấn đã chuyển hơn 12 tấn gạo cho các công nhân ở khu phong tỏa, 2.000 suất quà là thịt lợn, nước mắm, mỳ tôm... Địa phương cũng nhận được hơn chục tấn rau, củ, quả do các nhà hảo tâm hỗ trợ, toàn bộ số rau củ quả này đã được chuyển đến người dân và công nhân.
Về công tác xét nghiệm Covid-19 cho công nhân, huyện Cẩm Giàng yêu cầu từng đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động phải lập danh sách từng người, lấy mẫu, kiểm tra sức khỏe trước khi trở lại làm việc; các địa phương phải giám sát chặt chẽ trường hợp F1 đã hết thời hạn cách ly tập trung và người bệnh xuất viện về thực hiện cách ly tại nhà.
Sau khi Hải Dương được gỡ bỏ lệnh phong tỏa, giãn cách xã hội, BCĐ phòng chống dịch Covid-19 Hải Dương yêu cầu, tất cả các doanh nghiệp muốn hoạt động trở lại đều phải xây dựng kế hoạch phòng chống dịch (PCD) tại chỗ.
Nếu doanh nghiệp nào không bảo đảm quy định PCD không cho hoạt động; chủ doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm nếu để dịch bệnh xảy ra do yếu tố chủ quan, thiếu chủ động PCD.
Những chuyện bi hài trong mùa dịch Covid-19 tại Cẩm Giàng
Vác xe đạp băng qua ruộng, bỏ đồ nghề đánh bắt cá… để chạy trốn tổ tuần tra Covid-19. Những “phản ứng… dễ thương” của bà con khiến lực lượng làm nhiệm vụ chưa từng nghĩ đến.
Kiên Trung