Khách lưỡng lự mua xe, showroom vắng khách
Theo ghi nhận của PV. VietNamNet tại TP. HCM trong 2 tuần gần đây cho thấy, nhiều showroom, đại lý ô tô đang lâm cảnh đìu hiu, vắng khách. Có chăng, khách đến cũng chỉ xem xe qua loa, dò giá thị trường là chính.
Chị Ngọc Dung, tư vấn bán hàng (sales) của một đại lý xe Hyundai trên đường Phạm Văn Đồng, quận Gò Vấp, cho biết: "Kể từ khi có thông tin sắp giảm phí trước bạ, lượng khách xem và chốt mua xe giảm đáng kể. Dù giá xe hiện tại đang được ưu đãi mạnh nhưng khách vẫn muốn đợi tới tháng 6-7, hi vọng giá lăn bánh giảm thêm".
Chị Dung vốn là nhân viên sales ô tô chốt doanh số khá tốt. Thời điểm tháng 3 và tháng 4, mỗi tháng chị bán trung bình được từ 5-6 xe. Tuy nhiên, đã gần hết tháng 5, chị Dung mới bán được một xe duy nhất. Những nhân viên tư vấn bán hàng khác cũng gặp tình cảnh chẳng khá khẩm hơn.
Ghi nhận tại showroom Mazda Tân Sơn Nhất, lượng khách hàng đến xem xe không nhiều. Anh Quốc H., nhân viên bán hàng tại đây cho hay, đa số, khách hàng đến đều hỏi về thời điểm khi nào ô tô sẽ được giảm phí trước bạ, rồi lăn tăn, lấn cấn trong việc chốt ký hợp đồng.
Với các trường hợp này, anh Quốc H. thường phải mời chào khách hàng đặt cọc xe trước để chốt được giá ưu đãi hiện nay, sau đó đợi đến khi Chính phủ có chính sách giảm phí trước bạ chính thức thì đại lý sẽ hỗ trợ hoàn tất thủ tục lăn bánh. Như vậy, hai bên sẽ cùng có lợi, showroom bán được xe, còn khách tiết kiệm được nhiều chi phí mua xe.
Tuy nhiên, anh Quốc H. cũng chia sẻ rằng: "Nếu giảm lệ phí trước bạ, giá xe có thể sẽ tăng nhẹ trở lại vì đại lý và hãng có thể sẽ cắt bỏ ưu đãi như hiện nay".
Trao đổi với PV VietNamNet, anh Đặng Minh Hiền, ngụ quận Gò Vấp cho hay: "Vừa rồi, tôi có ý định mua xe Mazda CX-30 nhập khẩu nhưng nghe thông tin sẽ giảm 50% lệ phí trước bạ chỉ áp dụng với xe lắp ráp trong nước nên tôi đã lưỡng lự. Có lẽ, tôi sẽ chọn mẫu CX-5 Deluxe ngang tầm giá để tiết kiệm chi phí lăn bánh khi chính sách giảm phí trước bạ được Nhà nước áp dụng".
Anh Quốc T, tư vấn bán hàng của một đại lý Hyundai tại đường Quốc Lộ 13 cho biết, đại lý của anh hiện cũng đang có dấu hiệu nhập xe cầm chừng, một phần để đẩy hàng tồn và một phần chờ quyết định chính thức của Chính phủ về lệ phí trước bạ ô tô vì tâm lý người mua hàng rất e dè trong thời điểm này.
Ước tính, khi được giảm 50% phí trước bạ, các dòng xe phổ thông sẽ có giá lăn bánh giảm từ 40-60 triệu đồng, các dòng xe cao cấp, hạng sang giảm chi phí lăn bánh tới cả trăm triệu đồng.
Giá xe giảm mạnh vẫn chưa cứu được doanh số, ngóng chờ giảm phí trước bạ
Trên thực tế, thị trường ô tô còn đang tồn nhiều mẫu xe sản xuất từ năm 2022 và 2023, các hãng xe buộc phải giảm giá rất sâu để đẩy hàng tồn.
Từ đầu năm đến nay, VietNamNet ghi nhận, đứng đầu về màn "đại hạ giá" là Mercedes-Benz với mức giảm từ 200- 719 triệu cho 15 mẫu xe, kế đến là Volvo XC90 Ultimate giảm tới 500 triệu, Volkswagen Teramont giảm đến 430 triệu, Ford Explorer giảm 300 triệu, Subaru Forester giảm 250 triệu, Honda Accord giảm 220 triệu đồng, MG RX5 giảm 120 triệu, Haval H6 HEV giảm 100 triệu đồng,... Thậm chí, mẫu xe điện mini rẻ nhất thị trường Việt Nam là Wuling Mini EV cũng được đại lý giảm từ 20-45 triệu đồng, tức tỷ lệ giảm chiếm từ 7-18% giá niêm yết của hãng. Riêng các mẫu xe của VinFast luôn có chế độ ưu đãi hấp dẫn cho khách hàng trong cùng hệ sinh thái mua sắm các sản phẩm, dịch vụ của Vingroup.
Các mẫu xe phổ thông không có dư địa giảm giá sâu thì đa phần được các hãng và đại lý tặng từ 50-100% phí trước bạ như Mitsubishi, Nissan, Suzuki,...
Thế nhưng, dù giá xe đang nhiều ưu đãi thì doanh số bán hàng của các hãng ô tô vẫn chưa hồi phục. Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) tổng hợp cho thấy, tháng 4, thị trường có 28.626 xe được bán ra, giảm 10,06% so với tháng 3. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, tổng doanh số bán hàng toàn thị trường ô tô đạt 96.935 xe, giảm 13,55% so với cùng kỳ năm 2023.
Năm 2023, tổng doanh số bán xe của toàn thị trường chỉ đạt 301.989 chiếc, giảm tới 25% so với năm 2022. Trong đó, doanh số xe lắp ráp trong nước đạt 181.380 xe, giảm 20% trong khi xe nhập khẩu là 120.609 chiếc, giảm 32% so với năm 2022.
Chính vì vậy, chính sách giảm lệ phí trước bạ vẫn đang được kỳ vọng sẽ là cú hích để hồi sinh thị trường ô tô. Bài học kinh nghiệm cho thấy, trong 3 lần Chính phủ giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước, hiệu quả kích cầu thấy rõ ở 2 đợt đầu.
Trong thời gian thực hiện giảm 50% lệ phí trước bạ lần thứ nhất (28/6 - 31/12/2020), số lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký trước bạ lần đầu là 209.584 xe, tăng gấp 2,03 lần so với 6 tháng đầu năm 2020.
Trong thời gian thực hiện ưu đãi này lần thứ hai (1/12/2021 - 31/5/2022), số lượng xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký trước bạ lần đầu là 398.177 xe, trong đó, tháng 12/2021 có 103.722 xe và 5 tháng đầu năm 2022 có 294.455 xe. Tính riêng bình quân 5 tháng đầu năm 2022, số lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký trước bạ lần đầu là 58.891 xe/tháng, tăng gấp 1,38 lần bình quân số lượng xe bán ra trong 7 tháng cuối năm 2022.
Sau 2 năm liên tiếp giảm, hết năm 2022, quy mô thị trường ô tô Việt Nam đã đạt mức kỷ lục 509.141 chiếc, là mức cao nhất từ trước đến nay của ngành ô tô Việt Nam, tăng tới 33% so với năm 2021.
Tuy nhiên, năm 2023, bất động sản đóng băng, lãi suất cao, chính sách giảm 50% phí trước bạ ô tô trong nửa cuối năm (từ 1/7-31/12/2023) không đạt kết quả kích cầu như kỳ vọng. Dù vậy, thời điểm này, tình hình kinh tế vĩ mô đã được cải thiện, lãi suất giảm thấp thì việc giảm phí trước bạ ô tô sẽ kích hoạt thị trường xe tăng trưởng tốt hơn.
Theo Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 05/4 của Chính phủ và Chỉ thị số 12/CT-TTg ký ngày 21/4 của Thủ tướng, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các bộ ngành liên quan để trình Chính phủ các phương án về phí trước bạ ô tô trong tháng 5 này.
Tin bài cộng tác gửi về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Xin cảm ơn!