- Các cuộc khai quật đã dần làm hé lộ không gian chính điện Kính Thiên thời Lê sơ và Lê Trung Hưng.
Hiện trường các hố khai quật tại điện Kính Thiên
Sáng 11/12, tại Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thăm dò khu vực chính Điện Kính Thiên năm 2013.
PGS.TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam cho biết: "Cuộc khai quật năm 2013 đã xác định được rõ tầng văn hóa liên tục từ thời Đại La qua thời Lý, Trần, Lê Sơ, Lê Trung Hưng đến thời Nguyễn".
Trong tầng văn hóa, đã bước đầu xác định các di tích, kiến trúc của các thời kỳ xuất lộ dày đặc, chồng xếp lên nhau, cắt phá và đan xen lẫn nhau vô cùng phong phú, phức tạp. Đặc biệt lần đầu tiên, các nhà khảo cổ đã phát hiện thấy dấu tích móng trụ và sân nền lát gạch thời Lý ở trục trung tâm.
Nhiều ý kiến suy đoán đó là dấu tích sân đại triều thời Lý, tức là nhiều khả năng sân thiết triều của thời Lý Trần cũng nằm chính vị trí sân thiết triều thời Lê đã được khẳng định trước đó. Bên cạnh đó, các hố khai quật tiếp tục phát lộ hệ thống di vật phong phú qua các thời kỳ lịch sử Thăng Long.
Các hiện vật thu được trong quá trình khai quật
Như vậy, qua 4 đợt thăm dò khai quật vừa qua, có thể thấy sự phong phú và vô cùng phức tạp của các di tích ở khu vực Trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Các cuộc khai quật đã dần làm hé lộ không gian chính điện Kính Thiên thời Lê sơ và Lê Trung Hưng. Dựa vào kết quả khảo cổ, theo tính toán logic thì nhiều khả năng sân điện Kính Thiên rộng khoảng 1ha,. Đây là một khoảng sân vô cùng rộng lớn dành cho việc thiết triều của các đại thần.
Tuy nhiên, hiện nay chưa thấy rõ được bố cục của kiến trúc thời Lý và thời Trần ở đây. Do vậy, các suy luận về trục trung tâm của hai triều đại này cần tiếp tục trong thời gian tới.
Hầu hết các nhà khoa học có mặt trong buổi công bố khảo cổ đều rất vui mừng với kết quả khảo cổ lần này. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần phải giới thiệu kết quả khai quật cho cộng đồng biết để họ có ý thức giữ gìn và bảo vệ di sản.
Theo PGS. TS Phạm Mai Hùng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, không nên dừng lại ở kết quả thăm dò mà cần tiếp tục mở rộng thêm hố khai quật để có cái nhìn toàn diện và đầy đủ hơn về khu di tích. Đây là công việc lâu dài chứ không phải một sớm một chiều, có khi hàng thế kỷ, năm nào cũng phải tiến hành khảo cổ.
PGS, TS Lâm Thị Mỹ Dung, Giảng viên Khoa lịch sử Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đồng tình với quan điểm này. Tuy nhiên bà Dung cho rằng cần phải có kế hoạch cụ thể, lâu dài, tiến tới khai quật toàn bộ khu tích. Bên cạnh đó, các nhà khảo cổ và các cơ quan chức năng cũng cần có kế hoạch lưu giữ vết tích khai quật để sau này có thể trưng bày ngoài trời. Khai quật để trưng bày chứ không phải khai quật chỉ đơn thuần là dành cho nghiên cứu.
Trước mắt, chúng ta không thể làm được điều đó, nhưng về lâu dài, 10 năm hay 20 năm sau thì hoàn toàn có thể. Như vậy, công chúng sẽ có điều kiện tiếp cận di tích một cách trực quan, sinh động nhất.
Mào Phượng cao 35cm dài 26cm cho thấy đây là mào con Phượng khổng lồ, hiện vẫn chưa tìm thấy phần đầu Phượng.
GS. Phan Huy Lê cho rằng đợt khai quật này hé ra một không gian của sân Đan Trì thời Lê dài 125m cực lớn. Đây là di sản của nhân loại, cộng đồng đều có quyền hưởng di sản này và phải công bố khảo cổ trên toàn thế giới để các nhà khoa học các nước cùng tham gia nghiên cứu. Phải trưng bày những hiện vật có giá trị trong quá trình khai quật được để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ cho công chúng.
Bà Lê Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị, chuẩn bị cho các bước tiếp theo chiến lược dài hạn, Hoàng thành Thăng Long cần có kế hoạch tổng thể về khai quật các di tích trong 3 – 5 năm tới để chủ động kế hoạch về bố trí nguồn lực và phương án phục dựng, bảo quản, tuyên truyền cho di sản. Trước mắt, Hoàng thành Thăng Long cần quảng bá, tuyên truyền giới thiệu về kết quả các cuộc khảo cổ học này.
T. Lê