Góp phần bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa tại các vùng dịch

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, vì mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân là trên hết và trước hết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, từ 0h ngày 19/7, ngoài TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai đang áp dụng biện pháp giãn cách để phòng chống dịch bệnh Covid-19, có thêm 16 địa phương ở khu vực phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Theo ông Lương Duy Hoài, Tổng giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ Giao hàng nhanh, ngay từ những ngày đầu TP.HCM và các tỉnh phía Nam áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, bên cạnh việc nỗ lực duy trì hoạt động vận chuyển gói/kiện phục vụ lưu thông hàng hóa, doanh nghiệp này đã tham gia cung cấp hàng hoá thiết yếu như rau củ quả tươi, lương thực thực phẩm khô, đồ dùng cá nhân...

Thời gian qua, Giao hàng nhanh đã chung tay với nhiều tổ chức thiện nguyện như các chương trình: "Vòng tay Việt”, “Stay Strong Saigon”, “Quỹ Hy vọng” của các đơn vị, tổ chức để vận chuyển hàng trăm ngàn phần quà nhu yếu phẩm, rau củ quả đến các khu vực phong tỏa, bệnh viện dã chiến, bếp từ thiện trên địa bàn TP.HCM. 

{keywords}
Thời gian qua, các doanh nghiệp bưu chính đã có nhiều nỗ lực trong việc vận chuyển, cung ứng hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu cho các địa phương vùng dịch.

Đặc biệt, hưởng ứng lời kêu gọi từ Sở Công Thương TP.HCM, từ ngày 15/7, Giao hàng nhanh đã tham gia vận chuyển hàng trăm tấn nông sản từ Đà Lạt về TP.HCM, tiếp sức cho người dân thành phố vượt qua những ngày giãn cách, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Theo thống kê, trung bình mỗi ngày có 20 - 30 tấn hàng hoá thiết yếu và 5 tấn rau củ quả được chuyển tới TP.HCM và một số tỉnh phía Nam đang giãn cách xã hội.

“Chúng tôi đã huy động khoảng 1.200 nhân viên giao nhận (shipper) và 120 xe tải vào việc vận chuyển thực phẩm, hàng hóa cho các địa phương đang giãn cách xã hội. Không tổ chức bán hàng trực tiếp, song hơn 200 bưu cục của Giao hàng nhanh tại các địa phương đã là điểm tập kết, phân phối hàng tới người dân và hệ thống điểm bán hàng của các đối tác trong chiến dịch của Sở Công Thương TP.HCM”, ông Hoài thông tin.

Với Công ty cổ phần Giao hàng Tiết kiệm, Tổng giám đốc Phạm Hồng Quân cho biết, đơn vị đã làm việc với các Sở Công Thương TP.HCM, Đồng Tháp, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương và sẽ mở rộng các tỉnh miền Nam để hỗ trợ vận chuyển, phân phối hàng hóa thiết yếu cho người dân.

Song song đó, Giao hàng Tiết kiệm mở danh mục vận chuyển hàng “Thực phẩm & Đồ khô” để tham gia cung ứng, vận chuyển hàng hóa thiết yếu từ các Shop/cửa hàng bán online tới người dân trên cả nước. 

Trong 3 ngày đầu triển khai chương trình vận chuyển “Thực phẩm & Đồ khô”, toàn hệ thống của Giao hàng Tiết kiệm đã đạt sản lượng 50 tấn thực phẩm khô và nông sản mỗi ngày, tương ứng khoảng 5.000 đơn hàng/ngày. Đơn vị đặt mục tiêu đưa sản lượng vận chuyển hàng hóa thiết yếu đạt 200 tấn/ngày trong thời gian tới.

Với việc huy động 21 lượt xe cùng 30 nhân viên kho vận, từ ngày 25/7 đến nay, Giao hàng Tiết kiệm đã hỗ trợ vận chuyển và phân phối 34 tấn nông sản lên các điểm bán hàng thiết yếu tại TP.HCM. Con số này dự kiến đạt 150 tấn vào ngày 15/8.

Trong gần 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hoạt động vận chuyển, cung ứng hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu cho các địa phương có dịch để duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa có vai trò không nhỏ của các doanh nghiệp bưu chính như Giao hàng nhanh, Giao hàng Tiết kiệm, Lalamove, SuperShip, Proship… và đặc biệt là 2 doanh nghiệp bưu chính lớn là Vietnam Post và Viettel Post.

Doanh nghiệp bưu chính tham gia sâu hơn vào lưu thông, phân phối hàng thiết yếu

Riêng với Vietnam Post và Viettel Post, với lợi thế về mạng lưới, đội ngũ nhân lực cộng với việc sở hữu các sàn thương mại điện tử Vỏ Sò và Postmart, từ giữa tháng 7 đến nay, 2 doanh nghiệp bưu chính lớn này đã tích cực triển khai các hoạt động vận chuyển, cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam đang giãn cách xã hội.

Gần đây nhất, thực hiện chỉ đạo của Bộ TT&TT, ngay sau khi Hà Nội quyết định áp dụng biện pháp giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, Vietnam Post và Viettel Post đã lập tức kích hoạt các phương án đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân. Hơn 4.000 bưu tá, gần 400 điểm bưu cục cùng toàn bộ mạng lưới của hai doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã được huy động thực hiện nhiệm vụ.

Tại cuộc họp giữa Bộ TT&TT và Bộ Công Thương vào ngày 27/7, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá cao hiệu quả hoạt động của Vietnam Post, Viettel Post trong việc triển khai các điểm bán hàng bình ổn giá, vận chuyển hàng hóa... tại các địa phương có dịch. “Ngay từ đầu, hai đơn vị này đã vào cuộc và nhanh chóng đưa các chuyến xe lưu động vào tâm dịch, nhờ thế việc cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân bớt căng thẳng hơn”, Thứ trưởng nhận định.

Cũng tại cuộc họp nêu trên, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn đã đề nghị Bộ Công Thương phối hợp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp bưu chính tham gia sâu hơn vào khâu lưu thông, phân phối hàng hóa, nhất là trong việc ưu tiên, tạo “luồng xanh” cho lưu thông hàng hóa thiết yếu.

{keywords}
Tính đến ngày 25/7, Viettel Post và Vietnam Post đã vận chuyển theo chỉ đạo của chính quyền các địa phương đang giãn cách xã hội gần 1.100 tấn hàng hóa thiết yếu.

Trước đó, trong Nghị quyết 78 ngày 20/7, Chính phủ đã giao Bộ trưởng Bộ TT&TT “chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính lớn tập trung tham gia vận chuyển, cung cấp hàng hóa thiết yếu tại các điểm phục vụ bưu chính hoặc qua hình thức lưu động cho người dân ở các địa phương đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16”.

Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ TT&TT đã gấp rút xây dựng và ngay ngày 21/7, kế hoạch “Bảo đảm cung cấp hàng  hóa thiết yếu của doanh nghiệp bưu chính lớn tại các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội” được phê duyệt. Theo đó, Vietnam Post và Viettel Post cần tập trung thực hiện một số điểm mấu chốt: tham gia vận chuyển hàng hóa cho các địa phương, triển khai các điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu và cung cấp hàng hóa đến người dân, với những nội dung công việc cụ thể.

“Yêu cầu đặt ra là cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả giữa các bên, từ các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ TT&TT; các sở, ban, ngành, huyện xã thuộc các tỉnh, thành phố cho đến những doanh nghiệp bưu chính lớn trong triển khai kế hoạch”, đại diện Vụ Bưu chính nhấn mạnh.

Vân Anh

Chốt kiểm dịch không kiểm tra xe vận chuyển hàng có Giấy nhận diện gắn QR Code còn hạn

Chốt kiểm dịch không kiểm tra xe vận chuyển hàng có Giấy nhận diện gắn QR Code còn hạn

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa chỉ đạo không kiểm tra tại các chốt kiểm soát dịch với xe có Giấy nhận diện gắn QR Code còn hạn do ngành GTVT cấp vận chuyển hàng hóa phục vụ xây dựng, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, tiêu dùng.