Thống kê của Tổng cục Hải quan, trong năm 2023 đơn hàng gạo xuất khẩu sang Indonesia bùng nổ, đạt kim ngạch 640 triệu USD, tăng đột biến 992% so với năm 2022. Theo đó, Indonesia vươn lên thành khách hàng lớn thứ 2 của gạo Việt, chỉ đứng sau Philippines.
Mới đây, cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) công bố danh sách trúng thầu nhập khẩu 500.000 tấn gạo của quốc gia này. Trong đó, 7 doanh nghiệp Việt Nam trúng 10/17 gói thầu.
Việt Nam là quốc gia có nhiều doanh nghiệp tham gia và thắng thầu với số lượng lớn. Ngoài Việt Nam, còn có 6 doanh nghiệp của các quốc gia khác cũng trúng thầu.
Chuyên gia ngành lúa gạo cho rằng, với gói thầu 500.000 tấn mà Indonesia vừa “chốt sổ”, các doanh nghiệp Việt chiếm số lượng gần 2/3. Đây là tín hiệu tích cực để chuẩn bị và tin tưởng vào vụ Đông Xuân sẽ thu hoạch sau Tết Nguyên đán được thắng lợi lớn.
Theo kế hoạch, năm nay Indonesia sẽ nhập khẩu khoảng 3 triệu tấn gạo, tương đương với Philippines – quốc gia nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới và cũng là khách hàng truyền thống lớn nhất của gạo Việt Nam.
Báo cáo mới nhất của Bộ NN-PTNT cho thấy, xuất khẩu gạo tháng 1/2024 tiếp tục tăng mạnh 59% so với tháng cùng kỳ năm ngoái.
Dữ liệu từ Hiệp hội lương thực Việt Nam, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam vọt tăng lên đỉnh lịch sử 663 USD/tấn và neo ở ngưỡng này trong một thời gian dài. Song, những ngày gần đây lại quay đầu giảm mạnh. Đến ngày 26/1, giá mặt hàng này giảm về mức 642 USD/tấn.
Tương tự, gạo 25% tấm xuất khẩu của nước ta cũng giảm từ đỉnh 648 USD/tấn, về mức 614 USD/tấn.
Phiên hôm 5/2, giá gạo 5% tấm và 25% tấm xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục giảm lần lượt về ngưỡng 637 USD/tấn và 610 USD/tấn.
Tại thị trường trong nước, giá lúa gạo cũng có tuần thứ 2 liên tiếp giảm. Theo đó, giá trung bình lúa thường tại ruộng giảm còn 9.000 đồng/kg, lúa thường tại kho về mức 10.217 đồng/kg; gạo xát trắng loại 1 có giá 15.625 đồng/kg, gạo 5% tấm giá 15.036 đồng/kg, gạo 25% tấm giá 14.533 đồng/kg…
Tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, đầu tuần giao dịch lúa chậm, giá lúa có chiều hướng giảm. Bởi, nhiều thương lái và bạn hàng nghỉ Tết sớm và ngưng mua.
Dự báo, giá gạo xuất khẩu sẽ còn biến động theo chiều hướng tăng trong năm 2024 do nguồn cung bị thắt chặt. Thị trường gạo sẽ tiếp tục thắt chặt vào đầu năm do các hạn chế xuất khẩu đang diễn ra của Ấn Độ. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu của nhiều quốc gia như Indonesia, Philippines gia tăng sẽ có tác động làm tăng giá gạo xuất khẩu.
Dù giá lúa gạo đang trong đà giảm song Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhận định, xuất khẩu gạo có thể mang về khoảng 5,3 tỷ USD trong năm 2024.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) vừa thông tin, tính đến ngày 22/1 năm nay, cả nước có 161 thương nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.