ĐB Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) đánh giá cao dự thảo luật đã được Bộ Công an là cơ quan soạn thảo chuẩn bị kỹ lưỡng, khắc phục được nhiều tồn tại, hạn chế của luật hiện hành.

Quy định hiện hành về xử phạt hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý từ 500.000 đến 1 triệu đồng theo nữ ĐB là không đủ răn đe, đề nghị nâng chế tài, cũng như bổ sung quy định nghiêm cấm hành vi pha trộn các chất gây nghiện.

Còn Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Luật bày tỏ nỗi lo lắng về tác hại của ma túy tới đời sống nên cần thiết phải sửa luật. Ông đề nghị cần tiếp tục đề cao trách nhiệm cá nhân, gia đình là nơi quản lý đầu tiên các đối tượng này.

{keywords}
Phiên thảo luận tổ chiều nay

Trước tình hình tai nạn giao thông diễn biến phức tạp, qua tăng cường kiểm soát phát hiện nhiều lái xe container dương tính với ma túy, gây ra tai nạn nghiêm trọng. Do đó, theo ĐB bên cạnh đề cao trách nhiệm cá nhân, gia đình cần tăng thêm trách nhiệm người sử dụng lao động.

Về nguồn lực tổ chức cai nghiện bắt buộc, quy định miễn giảm và đóng góp kinh phí cho người cai nghiện bắt buộc cần rõ hơn, đặc biệt là người khó khăn về kinh tế.

Tình hình diễn biến phức tạp nhưng theo ĐB Luật thông tin tại các nhà hàng, quán bar, karaoke vũ trường vẫn bắt giữ nhiều thanh niên sử dụng ma túy, câu hỏi đặt ra là trách nhiệm thế nào, chế tài ra sao để xử lý các đối tượng này và tăng cường kiểm tra kiểm soát.

Ma túy giờ tính hàng tấn, hàng chục tấn

Phát biểu tại thảo luận, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết tình hình phòng, chống ma túy phức tạp, hoạt động ma túy ngày càng phát triển, trước đây chỉ là gram nhưng giờ là hàng tấn, hàng chục tấn ma túy. Hay trước đây có diện các xã, huyện không có ma túy nhưng giờ gần như tất cả các địa bàn hành chính đều có ma túy. Đặc biệt ma túy đã xâm nhập vào giới trẻ, gây hoang mang, lo lắng.

Công tác đấu tranh gặp rất nhiều khó khăn, năm 2008 có luật phòng chống ma túy sửa đổi tuy nhiên còn có bất cập.

{keywords}
Bộ trưởng Công an Tô Lâm.

Năm 2019, Bộ Chính trị đã có Chỉ thị 36 về công tác đấu tranh phòng chống ma túy, nêu rõ cần sớm sửa đổi, bổ sung Luật phòng chống ma túy và các luật liên quan theo hướng đồng bộ, thống nhất phù hợp, có chế tài nghiêm khắc hơn với hành vi sử dụng ma túy. 

Nêu vấn đề “Đối xử như thế nào với tội phạm về ma tuý” được nhiều ĐBQH quan tâm, Bộ trưởng thông tin trên thế giới có xu hướng hợp pháp hóa ma túy, xem người nghiện ma tuý là người bệnh. Xu hướng này đã tác động tới nhiều quốc gia khác.

Đối với Việt Nam cũng đã chấp nhận một phần, ví dụ như coi người sử dụng ma tuý là người bệnh, coi người sử dụng ma tuý là không vi phạm pháp luật… Tuy nhiên quan điểm này làm tăng số lượng người nghiện ma tuý, khi nguồn “cầu” lớn mà không khống chế được sẽ dẫn đến Việt Nam trở thành địa bàn sử dụng ma tuý, trong khi nguồn cung ma túy trên thế giới là vô tận.

"Chỉ cần tín hiệu trong nước thôi là có thể các đối tượng bằng mọi cách, mọi đường vận chuyển vào trong nước. Các lực lượng chức năng chặn biên giới bắt giữ được hàng nghìn bánh ma túy, rất lớn”, Bộ trưởng phân tích.

Trong các bữa tiệc chiêu đãi, người trẻ được cho ma túy mà không mất tiền, vài ba bữa như thế sẽ thành "con nghiện", sau đó sẽ tự tìm đến các đối tượng cung cấp ma túy.

Cho nên, theo Bộ trưởng Tô Lâm vấn đề ở đây phải xử lý người nghiện nghiêm khắc hơn, tập trung chủ yếu ở lớp trẻ.

"Đây là điều rất nguy hiểm. Nhiều gia đình kêu gọi, nhắn tin cho chúng tôi: Bộ trưởng Công an cứu gia đình chúng tôi với, xung quanh đây hàng quán có nghiện ma túy, buôn bán như thế, nhà chúng tôi ở đây không chuyển chỗ khác được", ông dẫn chứng.

Trong luật cũ, Bộ trưởng cho biết khi xử lý tội phạm ma túy rất khó khăn. "Có lúc phải là ma túy tinh chất nhưng thực tế không có ma túy tinh chất, tội phạm pha trộn nhiều chất khác, bắt giữ bánh 70% ma túy nhưng không phải ma túy, người nghiện vẫn nghiện", Bộ trưởng nêu bất cập.

Do đó, ngành công an coi ma túy là tội phạm của tội phạm, ma túy sinh ra trộm cắp, cướp tài sản, giết người.

Theo Bộ trưởng, với người nghiện, không còn điều khiển được hành vi, không coi pháp luật ra gì, không chấp hành pháp luật, không coi trọng đạo đức, lối sống phong tục, mất trật tự trong xã hội nên cần xử lý và có biện pháp nghiêm khắc hơn.

"Trên 50% số đối tượng bị giam trong các trại giam là có nghiện ma túy. Ma túy là hiểm họa không những trước mắt mà còn lâu dài", ông cảnh báo.

“Quan điểm là không để bị ảnh hưởng bởi xu hướng hợp pháp hoá ma tuý. Chúng ta không chấp nhận có ma tuý, các hành vi liên quan đến ma tuý đều phải xử lý”, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Lần này sửa Luật Phòng chống ma tuý đã bổ sung nhiều quy định nhằm tăng chế tài xử phạt hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý, theo đúng tinh thần của Chỉ thị 36 Bộ Chính trị.

Cùng với đó, những bất cập, khó khăn trong công tác phòng chống ma tuý, quản lý người nghiện ma tuý… mà luật hiện hành chưa xử lý được cũng đã được sửa đổi, bổ sung bằng các quy định mới, phù hợp với tình hình thực tiễn.

Những điểm nhấn từ 63 Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy nhiệm kỳ 2020 -2025

Những điểm nhấn từ 63 Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy nhiệm kỳ 2020 -2025

Từ ngày 20/9 đến 28/10, 63 Đảng bộ tỉnh, thành phố trên cả nước đã tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025, bầu ra 63 Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy khóa mới.

Thành Nam