Tại diễn đàn Hợp tác và Đối tác trí tuệ nhân tạo (AI) và chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế Việt Nam - Hàn Quốc 2023 diễn ra trong 2 ngày 9 và 10/6, nhiều ứng dụng phát triển AI trong y tế được các chuyên gia trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe chia sẻ.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết số lượng người cao tuổi ở Việt Nam đang tăng rất nhanh, dẫn đến nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng lớn. 15 năm nay, sự chuyển đổi mô hình bệnh tật rất rõ ràng từ bệnh lây nhiễm sang không lây nhiễm (như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính)… Vì vậy, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong chăm sóc, điều trị bệnh không lây nhiễm là thách thức, cũng là cơ hội rất lớn cho ngành y tế.
Ông Hiếu gọi công nghệ hội chẩn từ xa Telehealth là bước 1 của ứng dụng công nghệ số trong khám chữa bệnh từ xa. Hiện Telehealth của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã được kết nối với trên 250 bệnh viện trong cả nước, với hàng nghìn ca bệnh được điều trị.
Theo PGS Hiếu, việc chẩn đoán bệnh và đọc kết quả từ xa đã tạo kết nối từng bệnh viện, triển khai với hệ thống máy móc đơn giản phát huy lợi ích trong đại dịch Covid-19.
PGS Hiếu cho hay nền tảng này cho phép nhiều nhóm bác sĩ từ nhiều bệnh viện khác nhau cùng hội chẩn online thay vì 2 bác sĩ, 2 bệnh viện khác nhau như trước đây. Điều này tạo nên uy tín cho các bệnh viện ở địa phương và giúp đỡ trực tiếp cho người bệnh được hội chẩn. Người dân cũng hiểu hơn về sự kết nối y tế là không giới hạn, sẽ tin tưởng vào y tế...
Ông chia sẻ những nghiên cứu và phát triển mô hình AI cũng được ứng dụng trong chữa trị bệnh tiểu đường. Trong đó, phương pháp KT PoC Progress, chương trình AI Screening đã thử nghiệm trên 2.000 bệnh nhân.
Việc sử dụng AI sẽ tự động hướng dẫn thu thập các thông số như tuổi, BMI, tiền sử bệnh, giúp các bác sĩ sàng lọc và hỗ trợ đưa ra kết quả cuối cùng. Kết quả điều trị trên một số bệnh nhân cho thấy hiệu quả quản lý huyết áp đạt 7 - 8%, đường máu 10% và giảm tỉ lệ nhập viện, biến chứng lên tới 1,5 - 4,3 lần nhờ sử dụng AI.
Trong lĩnh vực ung thư, các phần mềm hỗ trợ chẩn đoán AI và các thuật toán cũng được ứng dụng mạnh mẽ, trong đó có ung thư tuyến giáp. PGS.TS Trần Thị Thanh Hương, Viện trưởng Viện Ung thư quốc gia Việt Nam, cho biết từ nguồn dữ liệu tích hợp hình ảnh siêu âm, giải phẫu bệnh bằng kim nhỏ và kết quả phẫu thuật, sẽ phát triển mô hình AI nhằm hỗ trợ sàng lọc, xác định bệnh nhân có cần phẫu thuật hay không, dự báo đặc điểm khối u.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Bùi Thế Duy cho biết sự phát triển của dữ liệu lớn đã tích hợp bài học lớn từ hàng triệu chuyên gia, nhà khoa học giúp việc nghiên cứu trở nên thuận lợi hơn. Mỗi chuyên gia sẽ chỉ có một bộ não thực hiện nghiên cứu đơn lẻ, nhưng nếu có sự hỗ trợ từ AI giúp tích hợp được kinh nghiệm, tích lũy ca bệnh, cách thức chữa bệnh của nhiều bác sĩ, chuyên gia, từ nhiều quốc gia trên thế giới.