TC Motor (lắp ráp và phân phối thương hiệu Hyundai) cho biết, trong 4 tháng đã bán ra tổng số 25.629 xe đến tay người tiêu dùng trong nước. Lượng xe bán ra tăng trưởng 14,3% so với con số 22.424 xe bán ra cùng kì năm 2021. Tuy nhiên, hãng này cho biết cuộc khủng hoảng chất bán dẫn và thiếu chip, linh kiện công nghệ cao trên phạm vi toàn cầu vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến khả năng cung ứng một số sản phẩm. Theo đó, các mẫu xe như Santa Fe, Tucson vẫn không thể đáp ứng đủ nhu cầu khách hàng ngày một tăng cao.
Tình trạng khan hàng do thiếu linh kiện để sản xuất xe không chỉ xuất hiện ở một vài hãng mà là áp lực chung mà nhiều hãng xe Toyota, Kia, Mitsubishi, Ford... phải đối mặt. Nhiều mẫu xe phổ thông phải chờ từ 3- 6 tháng để giao xe, các mẫu xe sang thậm chí phải chờ cả năm.
Thực tế, từ năm ngoái, nhiều mẫu xe ăn khách đã có tình trạng chênh giá hoặc phải kéo dài thời gian giao hàng do không đủ nguồn cung. Tình trạng này ngày càng diễn ra trên diện rộng với nhiều mẫu xe, thậm chí cả với các mẫu xe bán chậm.
Giá xe tăng do thiếu nguồn cung. Ảnh minh họa: Internet |
Ford Explorer thiếu xe ở các đại lý nên dù chênh giá cả trăm triệu vẫn không đủ xe giao. Mẫu bán tải Ranger cũng bị ảnh hưởng khi không có đủ phiên bản, màu sắc cho khách lựa chọn.
Nhiều khách hàng đang có nhu cầu cho biết, để mua Toyota Raize hay Corolla Cross, khách hàng phải đặt cọc và chờ 6 - 9 tháng. Mẫu xe bán tải Hilux của Toyota cũng không đủ hàng để cung cấp cho khách. Các mẫu xe Kia ăn khách như Seltos, Sonet cũng lâm vào tình trạng tương tự khi thời gian giao xe bị kéo dài.
VinFast cũng gặp khó với mẫu xe điện VinFast VF e34 khi nguồn cung linh kiện hạn chế. Đầu năm 2022, lượng xe điện bàn giao tới tay khách hàng còn hạn chế so với con số đặt hàng mẫu xe điện mà hãng công bố trước đó do nguồn cung linh kiện thiếu hụt tiếp tục ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất.
Thiếu nguồn cung linh kiện không chỉ ảnh hưởng đến ô tô mà còn cả các nhà sản xuất xe máy. Nhiều khách hàng cho biết, giá bán nhiều mẫu xe ở đại lý chênh so với giá bán lẻ đồng thời, người mua phải chờ từ vài tuần tới cả tháng để nhận được xe.
Nhu cầu lớn trong khi nguồn cung hạn chế khiến cho tình trạng chênh giá xảy ra đối với cả các mẫu xe số, xe ga trước đây vốn sẵn sàng. Honda Việt Nam cho biết, tác động của chuỗi cung ứng ảnh hưởng nặng nề đến tình trạng sẵn có của một số mẫu xe tay ga trong nước.
Theo hãng này, do tình hình thế giới nhiều biến động, chuỗi cung ứng trên toàn cầu đang bị gián đoạn đã tác động đến ngành sản xuất ô tô – xe máy của Việt Nam. Nguồn cung thiếu hụt khiến khả năng cung cấp hạn chế đối với một số mẫu xe tay ga sản xuất nội địa. Thực tế thị trường cho thấy, các mẫu xe tay ga ăn khách Vision, Lead, SH Mode, SH đang chịu nhiều ảnh hưởng nhất.
Hoàng Nam
Xe điện ăn khách, VinFast vẫn đối mặt với "nỗi lo" thiếu nguồn cung linh kiện
Ô tô điện VF e34 trở thành mẫu xe bán chạy thứ 2 của VinFast trong tháng 4 khi bàn giao hơn 400 xe đến tay khách hàng. Tuy nhiên, hãng xe vẫn phải đối mặt với vấn đề thiếu linh kiện.