Chương trình Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 – 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 830/QĐ-TTg ngày 1/6/2021 (Chương trình 830).

Có thể nói, lần đầu tiên Việt Nam ban hành một chương trình ở cấp quốc gia riêng vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Điều này thể hiện sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong công tác bảo vệ bí mật đời sống riêng tư và ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng để xâm hại trẻ em.

Cập nhật về các kết quả triển khai Chương trình Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021- 2025, bà Đinh Thị Như Hoa, Trưởng Phòng Kiểm định An toàn thông tin, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam - VNCERT/CC cho biết, trong gần 3 năm qua, nhiều hoạt động về bảo vệ, hỗ trợ trẻ em trên mạng đã được các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đồng hành triển khai.

Theo đó, về hoàn thiện hành lang pháp lý, bên cạnh việc tham gia tham mưu, trình Chính phủ ban hành, sửa đổi 3 Nghị định để bổ sung các quy định về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ban hành Thông tư 11 năm 2022. Trong đó bổ sung chức năng, nhiệm vụ của các Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em trên không gian mạng tại địa phương.

img-4711-1.png
Nhiều hoạt động bảo vệ, hỗ trợ trẻ em trên mạng đã được triển khai. Ảnh: Nhật Hạ

Quá trình triển khai Chương trình 830, ba Bộ Công an, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký quy chế phối hợp trong tiếp nhận thông tin, điều tra, xử lý đối với các hành vi xâm hại trẻ em và theo dõi dữ liệu liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng. 

Song song đó, nhóm nhiệm vụ giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng cũng đã được tập trung với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực. Cụ thể như: Cuộc thi Học sinh với an toàn thông tin được Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam - VNISA chủ trì tổ chức thường niên từ năm 2022, thu hút đông đảo học sinh THCS trên toàn quốc tham gia; Cuộc thi Phát triển ý tưởng trò chơi về chủ đề "Bảo vệ trẻ em" năm 2022.

Bên cạnh đó là tổ chức tập huấn cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí khu vực cả 3 miền Bắc – Trung - Nam về bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng. Triển khai tập huấn về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cho nhân viên tư vấn và cộng tác viên của Tổng đài 111.

Tổ chức Hội thảo Thực tiễn và giải pháp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng trong khuôn khổ Ngày An toàn thông tin Việt Nam; Hội nghị Nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ phục vụ triển khai hoạt động hỗ trợ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, hệ thống kênh truyền thông về bảo vệ trẻ em trên mạng đã được thiết lập, bao gồm website và các kênh truyền thông trên mạng xã hội của Mạng lưới ứng cứu và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng (VN-COP), cụ thể là trang web tên miền vn-cop.vn, fanpage vn-cop; kênh YouTube và TikTok vn-cop.

Cũng trong năm 2023, Mạng lưới ứng cứu và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đã phối hợp với VietNet-ICT và VTC NetViet phát triển 2 khóa học "Làm bạn cùng con trên môi trường số" và "Giảng dạy kỹ năng số và an toàn Internet dành cho giáo viên". Cả 2 khóa học này đều được cung cấp trên nền tảng học trực tuyến mở đại trà OneTouch.vn. 

Theo bà Đinh Thị Như Hoa, Mạng lưới ứng cứu và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đã tham gia thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển các sản phẩm bảo vệ trẻ em. Đến nay, đã có 8 doanh nghiệp SafeGate, Bkav, Nexta, Lancs Việt Nam, CyRadar, CyberPurify, FPT và VNPT phát triển 10 sản phẩm bảo vệ trẻ em.

Đại diện VNCERT/CC cũng cho hay, trong thời gian tới, 3 nhóm nội dung sẽ được Mạng lưới ứng cứu và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng tiếp tục quan tâm, chú trọng đó là truyền thông, hệ sinh thái sản phẩm và hệ thống công cụ. Bên cạnh đó, VNCERT/CC cũng triển khai hệ thống hỗ trợ ngăn chặn, đánh giá dữ liệu độc hại với trẻ em.

Nhật Hạ